Mời các bạn bấm nút nghe nội dung:

Dự thảo Luật giáo dục (sửa đổi) đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến có đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 6 quy định về hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng bổ sung trung học nghề là cấp học, không còn trường trung cấp. Thay vào đó, chương trình trung học nghề sẽ tích hợp kiến thức trung học phổ thông và không cấp bằng trung cấp, mà thay bằng bằng trung học nghề.

Trường trung cấp nghề trước những đổi thay

Trường trung cấp nghề Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa đang chờ đợi những thay đổi lớn mang tính chiến lược. Trực thuộc huyện Nga Sơn, ngành đào tạo chính của nhà trường tập trung vào các nghề biển, nghề thủ công truyền thống của địa phương và những nghề đáp ứng nhu cầu của học viên và thị trường lao động. Sau khi có hướng xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, giải thể cấp huyện, theo thông tin dự thảo đề án xắp xếp từ UBND tỉnh Thanh Hóa, các trường trung cấp nghề thuộc cấp huyện sẽ có hai hướng:

“Vì trường trung cấp nghề dạy 9+, đáp ứng yêu cầu cho học sinh không phải đi xa vào học trung cấp nên phương án 1 sẽ giữ lại và đưa về Sở Giáo dục và Đào tạo quản lí. Đó là phương án tối ưu để đáp ứng nhu cầu con em muốn học nghề đồng thời học những môn văn hóa cơ bản ngay tại địa phương. Phương án hai sẽ thành 7 trung tâm giáo dục nghề nghiệp thường xuyên, chia theo khu vực và giải thể cả 3 trường trung cấp nghề cấp huyện”, ông Nguyễn Ngọc Minh, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Dự thảo Luật giáo dục (sửa đổi) đang lấy ý kiến đóng góp, trong đó xóa bỏ tên Trung cấp nghề, thay bằng Trung học nghề. Và theo thiết kế mới, chương trình trung học nghề sẽ có hai lựa chọn đầu ra cho học sinh: được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề hoặc trung cấp nghề.

Như vậy, sau khi hoàn thành lớp 9, học sinh sẽ có ba lựa chọn gồm: vào trung học phổ thông, học trung học nghề với chứng chỉ sơ cấp, học trung học nghề với chứng chỉ trung cấp nghề. Thông tin này theo ông Ngọc Minh rất có giá trị với các trường trung cấp đang chờ đợi quyết định “số phận” hiện nay.

Không chỉ tạo điều kiện cho việc học sinh trung cấp nghề được dạy các môn văn hóa ngay tại trường thay vì phải sang các trung tâm giáo dục thường xuyên như giai đoạn trước khi nhất thể hóa, thầy Minh cho rằng việc đổi thành trường trung học nghề sẽ tạo cơ hội để các trường nghề thuộc cấp huyện được giữ lại, đáp ứng nhu cầu học văn hóa và cả học nghề của học sinh ngay tại địa bàn địa phương thay vì phải di chuyển quá xa khi các em vừa tốt nghiệp THCS.

“Việc đổi tên từ trung cấp nghề thành trung học nghề theo tôi sẽ khác và tác động tích cực hơn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của đào tạo nghề. Thông tin này về phía nhà trường, chúng tôi thấy có phần yên tâm khi với trình độ trung cấp cho học sinh tốt nghiệp THCS để tiếp cận nghề nghiệp sớm, nếu bây giờ xóa sổ một trường trung cấp lâu đời, được đầu tư bài bản về cơ sở vật chất, đội ngũ thì rất đáng tiếc, đặc biệt với con em địa phương và vùng lân cận có nhu cầu học nghề và tiếp cận nghề sớm, phục vụ phát triển kinh tế địa phương”, thầy Ngọc Minh cho biết.

Đã biết thông tin về việc lấy ý kiến cho dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi) và cũng đang trong quá trình họp cùng lãnh đạo, giáo viên nhà trường để có những đóng góp theo thầy Trần Việt Hùng, Hiệu trưởng trường trung cấp nghề Giao thông Công chính Hà Nội, dù nhỏ nhưng sẽ hết sức trách nhiệm. Giai đoạn này, Trường trung cấp nghề Giao thông công chính cũng đang trong trạng thái “chờ” và đã có định hướng phát triển thành trường cao đẳng.

Nói về điểm mới trong Dự thảo, theo thầy Việt Hùng, cần phải xác định được bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân và nội hàm của nó gồm đầu tư như thế nào, định hướng ra sao, vấn đề liên thông tổ chức kiểu gì…?

"Chúng ta cũng phải trả giá rồi, rồi cũng thụ hưởng giá trị nguồn nhân lực thế hệ dân số vàng rồi và cả những thứ mất đi khi hệ thống giáo dục quốc dân không xác định được và phân luồng không đạt mục tiêu”, thầy Việt Hùng phân tích.

Trung học nghề sẽ giải quyết được những bất cập hiện nay?

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hướng sửa đổi Luật giáo dục lần này nhằm mở rộng cơ hội lựa chọn và phân luồng sau trung học cơ sở, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập liên thông sau này. Mô hình này cũng đảm bảo phù hợp với cách tiếp cận hệ thống giáo dục của UNESCO. Giai đoạn chuyển đổi để thiết lập được các trường trung học nghề sẽ cần có thời gian và xây dựng được hệ thống rõ ràng, kể cả khi dự thảo luật được Quốc hội phê duyệt.

“Nếu Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền cho phép hình thành trung học nghề sau THCS sẽ phải có mạng lưới để triển khai, làm sao để tối ưu hóa nguồn lực hiện có vì hiện nay các trường trung cấp nghề vẫn đang dạy trình độ trung cấp, giờ cần thêm năng lực dạy văn hóa”, Ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Cục trưởng Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết.

Thời gian lấy ý kiến dự thảo luật Giáo dục sửa đổi do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo đến hết ngày 9/7. Nội dung dự thảo Luật xác lập giáo dục nghề nghiệp là một cấp học được cho rằng sẽ bảo đảm cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng phân rõ cấp học, phân loại rõ trình độ đào tạo và tăng cường tính mở, liên thông, phù hợp với Khung trình độ quốc gia và thông lệ quốc tế.

Từ góc độ của Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội, PGS.TS Mạc Đăng Tiến, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư kí Hiệp hội khẳng định việc thay đổi này không chỉ dừng ở thay tên gọi mà là sự thay đổi về bản chất, về nội hàm của giáo dục nghề nghiệp (GDNN), một bước đi cần thiết để thể hiện sự công nhận và trọng dụng GDNN trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Luật GDNN hiện hành có quy định đào tạo trình độ trung cấp và có cơ sở GDNN là trường trung cấp, thời gian đào tạo theo niên chế từ 1-2 năm đối với người có bằng tốt nghiệp THCS. Bất cập hiện nay thể hiện ở việc: với đầu vào tốt nghiệp THCS, học sinh mới 15 tuổi và khi tốt nghiệp trung cấp họ mới 16-17 tuổi, rất hạn chế khi tham gia vào thị trường lao động, nhiều doanh nghiệp không dám tiếp nhận vì sợ vi phạm pháp luật lao động.

Ngoài ra, để lấy được bằng tốt nghiệp THPT và có cơ hội học lên, học sinh học trung cấp phải học thêm các môn văn hóa. Nhưng các trường nghề không được phép dạy văn hóa, buộc các em phải đến học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên. Như vậy, thời gian học nghề cộng với học văn hóa tạo ra áp lực, quá tải đối với nhóm học sinh này, nhất là ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa.

Chính vì vậy, Luật GD sửa lần này sẽ bỏ trường trung cấp và bổ sung trường trung học nghề. Khi học trung học nghề thì các em vừa học nghề, vừa học văn hóa với chương trình đào tạo gồm: khối văn hóa khoảng 1-2 năm tùy nghề và khối chuyên môn nghề khoảng 1-2 năm tùy nghề và tổng thời gian học là 3 năm. Khi tốt nghiệp các em được cấp bằng trung học nghề, có giá trị để bước vào thị trường lao động hoặc hoặc lên trình độ cao hơn.

“Điều quan trọng là cần phải đồng bộ hóa các quy định trong các luật có liên quan như Luật GD; Luật GDNN, Luật giáo dục đại học, đồng thời phải có các chính sách, chương trình đào tạo và cơ sở vật chất phù hợp để thực sự nâng cao chất lượng và tính hội nhập của hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong nước”, PGS.TS Mạc Đăng Tiến nhấn mạnh.

Mấu chốt của đào tạo nghề sau THCS là gì?

Việc xác định giáo dục nghề nghiệp gồm trung học nghề và cao đẳng, đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng đáng được xem một bước tiến quan trọng để tạo ra sự liên thông và thuận lợi hơn cho học sinh sau khi hoàn thành THCS. Điều này sẽ giúp học sinh có thể lựa chọn con đường học tập rõ ràng và không phải chịu áp lực phải theo đuổi con đường học đại học nếu không phù hợp với sở trường. Việc này cũng mở ra cơ hội cho các trường nghề có thể đào tạo theo đúng nhu cầu thị trường lao động.

Về phía người học, họ có cơ hội để thực hiện ước mơ học tập của mình vì tính liên thông và tính linh hoạt của các chương trình đào tạo, tạo thuận lợi cho việc phân luồng hiệu quả hơn. Tất nhiên, như lời ông Tiến, để phân luồng thành công, không chỉ phụ thuộc và hệ thống giáo dục quốc dân mà còn phụ thuộc vào yêu cầu sử dụng nhân lực của thị trường lao động và chính sách việc làm của quốc gia (vấn đề bằng cấp, vấn đề tiền lương…) và các định hướng giá trị trong xã hội.

Để đào tạo nghề sau THCS có hiệu quả không chỉ cần thay đổi tên gọi mà còn cần phải có các chương trình đào tạo thực tiễn, gần gũi với nhu cầu lao động thực tế. Ngoài ra, việc nâng cao chất lượng giảng dạy, đội ngũ giáo viên có kỹ năng thực tiễn, xây dựng cơ sở vật chất hiện đại để đáp ứng nhu cầu của học sinh và xã hội. Đồng thời cần có những chính sách việc làm và thị trường lao động hợp lý cũng với nhận thức xã hội, nhìn nhận về giá trị lao động thì phân luồng mới đạt được mong muốn.

Các trường trung cấp nghề cần được giữ lại để xây dựng hệ thống trường trung học nghề

Trước hiện tượng các trường trung cấp nghề đang đứng trước nguy cơ giải thể, sáp nhập hoặc nâng thành cao đẳng nghề, PGS.TS Mạc Đăng Tiến cho rằng bắt nguồn từ Nghị quyết 19 và Quyết định 73 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch mạng lưới. Tuy nhiên cùng việc sửa Luật Giáo dục và tiến tới sửa cả Luật Giáo dục nghề nghiệp, việc chuyển đổi trường trung cấp nghề thành trường trung học nghề cần giữ lại hệ thống cơ sở vật chất có sẵn được tổ chức lại bộ máy nhằm đồng thời dạy nghề với dạy các môn văn hóa.

“Hiệp hội cũng đang đề xuất không sáp nhập hoặc xóa sổ vội dù nhiều trường trung cấp nằm trên địa bàn và do cấp quận, huyện quản lí. Giờ cứ giữ nguyên hiện trạng, chờ sau khi Luật được thông qua, tránh được sự xáo trộn hoặc trái ngược kiểu xóa sổ, sáp nhập hoặc nâng lên thành cao đẳng.

"Tới đây sát nhập 63 tỉnh thành còn 34 tỉnh thì riêng chuyện sát nhập các trường cao đẳng đã mệt, chưa thể tiến hành sát nhập các trường trung cấp. Chưa kể nhu cầu học trung cấp vẫn còn như ở vùng nông thôn, vùng núi sâu xa, các em chỉ cần học những nghề địa phương đang cần, nếu sát nhập sẽ buộc các em phải đi học nghề ở xa nhà”, PGS.TS Mạc Đăng Tiến phân tích.