Sự kiện do Hội đồng Lý luận Trung ương; Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh; Nhà xuất bản Văn học và Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Liên Việt phối hợp tổ chức.

Trong Khu Di tích Phủ chủ tịch, một cuộc triển lãm nhỏ gồm 47 bức tranh của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng minh họa cho 5 tập sách cùng trưng bày sắp đặt bộ sách 5 tập tạo nên một không gian nghệ thuật vừa trang trọng đồng thời ấm cúng, thân mật và gần gũi.

Suốt gần 4 giờ đồng hồ, khách đến dự lễ ra mắt sách gặp những câu chuyện thân tình, cởi mở từ nhà văn Nguyễn Thế Kỷ về hành trình từ khi ấp ủ ý tưởng, quá trình tích lũy tư liệu và cả cách thức phân bổ thời gian trong ngày, giữ lịch viết kể cả khi công việc bề bộn.

Như giãi bày của chính tác giả, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam và thế giới có sự hội tụ, giao hòa, hun đúc và phát huy đến mức cao nhất, hoàn mỹ nhất tinh hoa văn hóa dân tộc và thời đại, phương Đông và phương Tây, cổ và kim, trí dũng và nhân văn, vĩ đại và khiêm nhường, giản dị. Người là nguồn sáng, nguồn cảm hứng bất tận cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Người cũng trở thành nguồn cảm hứng sáng tác cho các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, các nghệ sĩ ở nhiều loại hình báo chí, văn học, nghệ thuật. Tuy nhiên, trong lĩnh vực văn học, ở thể loại tiểu thuyết, các tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến nay chưa nhiều.

“Tôi suy nghĩ tại sao nhiều nhà văn có những bộ tiểu thuyết về đề tài chiến tranh cách mạng rất tốt với nhân vật và quá trình dài nhưng tại sao Hồ Chí Minh, một lãnh tụ dân tộc và người bạn lớn của thế giới lại chưa có bộ tiểu thuyết nào đủ lớn với độ dài về thời gian, độ rộng lớn về không gian, tầm cao về tư tưởng và nghệ thuật”, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ nêu trăn trở cá nhân mà sau đó trở thành mục tiêu cho toàn bộ hành trình viết bộ sách đồ sộ này.

May mắn và cũng như cơ duyên, trong suốt hơn 20 năm qua, theo sự phân công của Đảng và Nhà nước, trải qua nhiều cương vị lãnh đạo, đặc biệt giai đoạn làm Bí thư huyện Nam Đàn cùng những chuyến đi thực tế, đặt chân đến những địa danh lịch sử gắn liền với hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tác giả Nguyễn Thế Kỷ đã kiên trì, dày công tích lũy tư liệu, sử liệu cho tác phẩm.

Ông cùng lúc bắt tay vào viết bộ trường thiên tiểu thuyết và bộ sử thi nghệ thuật đều mang tên “Nước non vạn dặm”.

Bộ sử thi nghệ thuật đã dựng xong phần I “Nợ nước non” trong tập kịch bản đồ sộ 5 phần; kịch hát “Nợ nước non” đã đến với đông đảo công chúng ở nhiều tỉnh, thành phố, cơ quan, đơn vị trong cả nước.

Bộ trường thiên tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” ra mắt độc giả khá đều đặn, bắt đầu bằng “Nợ nước non” (2022); “Lênh đênh bốn biển” (2023); “Từ Việt Bắc về Hà Nội” (đầu năm 2024) đến “Đường lên Điện Biên” (đầu 2025). Và tập cuối “Việt Nam - Hồ Chí Minh”, ra mắt bạn đọc vào giữa tháng 5/2025, đúng dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Khi Nguyễn Sinh Cung còn nhỏ sẽ giống như bất cứ đứa trẻ nào, cũng nghịch ngợm những trò chơi như bao bạn bè đồng trang lứa. Nhưng có lẽ chi tiết khiến tôi xúc động nhất là khi mẹ Bác, bà Hoàng Thị Loan mất khi cha đi chấm thi ở Thanh Hóa, Bác khi đó mới chỉ 6,7 tuổi bế em sơ sinh đi xin sữa. Rồi khi bà Loan mất rồi, ông Nguyễn Sinh Sắc và hai con trở lại nhà ở Hoàng Trù, ba cha con đứng trước bàn thờ, mỗi người một xúc cảm, một cách thể hiện đều đau đớn, đều xót xa. Và tôi cho rằng viết hay nói về Bác, chúng ta không nên thần thánh hóa Người, bởi lẽ chính sự bình dị làm nên một Hồ Chí Minh vĩ đại”, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ.

Bản thân tác giả cũng chia sẻ khó khăn khi phải chắt lọc giữa ngồn ngộn tài liệu tích lũy suốt hơn 20 năm để tránh ôm đồm, đồng thời hướng tới đối tượng độc giả trẻ, vốn đang mất đi thói quen đọc những tập sách quá dày.

Nhà nghiên cứu lí luận văn học Bùi Việt Thắng khẳng định, bộ tác phẩm “Nước non vạn dặm” được xem như kết tinh của quá trình nghiên cứu lịch sử, chính trị, văn hóa… công phu, nghiêm túc; nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã xây dựng hình tượng nhân vật, bối cảnh lịch sử - xã hội quanh nhân vật chính Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh chân thực, sống động, giản dị, có chiều sâu nhân văn và lôi cuốn độc giả.

“Lễ ra mắt sách hôm nay không dừng ở một sự kiện văn học mà tôi cho rằng cần coi như một sự kiện văn hóa. Bộ sách tôi cho rằng xứng đáng là bảo vật quốc gia, hiện diện trong bảo tàng Văn học Việt Nam, bảo tàng Lịch sử Việt Nam, bảo tàng Văn hóa Việt Nam và bảo tàng Cách mạng Việt Nam”, nhà nghiên cứu lí luận phê bình văn học Bùi Việt Thắng khẳng định đóng góp của bộ sách không chỉ với nền văn chương nước nhà.

Ở vai trò của một độc giả chờ đón và có bài viết sau mỗi tập sách ra mắt, PGS.TS Trần Thị Thu Hoài, giảng viên khoa Lý luận chính trị, đại học Kinh tế Quốc Dân cho rằng cùng mạch viết xuyên suốt về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bộ sách “Nước non vạn dặm” có thể chia thành hai phần rõ nét. Nếu tập 1 và 2 đậm chất văn học thì 3 tập còn lại đậm chất sử liệu. Hai tập đầu, độc giả có cơ hội hiểu về hành trình trưởng thành của cậu bé Nguyễn Sinh Cung gắn với hệ thống di sản văn hóa phi vật thể gồm thiên nhiên, ngôn ngữ, tập tục, quang cảnh, nếp sống, thậm chí cả ẩm thực của vùng quê xứ Nghệ. Từ tập 3 trở đi, bắt đầu từ thời điểm từ năm 1945 theo PGS.TS Trần Thị Thu Hoài, từ góc độ của giới nghiên cứu đặt ra “bài toán khó” cho tác giả trong việc xử lí các vấn đề của thời cuộc, của trùng trùng tư liệu lịch sử tạo nên sự đồng nhất đồng thời khác biệt mà vẫn bám chắc vào lịch sử.

“Cá nhân tôi thực sự cảm phục về sức làm việc cũng như sản phẩm trí tuệ của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ. Là người đam mê nghiên cứu lịch sử chính trị, tôi cho rằng việc chọn đề tài này phải khẳng định rất bản lĩnh khi trước đó đã có quá nhiều tác phẩm, nhiều cách tiếp cận, bây giờ viết thế nào để khác đi nhưng lại tôn trọng lịch sử? Một câu hỏi khó và một thách thức lớn và nhà văn đã làm được khi nhuần nhuyễn được giữa hư cấu văn chương với khách quan lịch sử”, PGS.TS Trần Thị Thu Hoài phân tích.

5 tập tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” với trên cả ngàn trang sách, nói như đội ngũ tham gia biên tập thì “Gấp lại từng quyển để hồi tưởng, suy ngẫm, yêu thương, kính trọng, biết ơn nhân vật chính - Chủ tịch Hồ Chí Minh trong không gian sử thi đất nước Việt Nam gắn với thế giới cuối thế kỷ XIX và phần lớn thế kỷ XX…”