Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã góp phần hỗ trợ người lao động khi bị mất việc làm, giúp họ và gia đình vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, sớm quay lại thị trường lao động. Vậy nhưng, thời gian qua vẫn còn tình trạng gian lận bảo hiểm thất nghiệp.

Ông T ở xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa nghỉ việc tại Công ty TNHH Miboo Vina và đăng ký hưởng trợ cấp. Qua xác minh, ông T đủ điều kiện được hưởng 4 tháng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền hơn 10 triệu đồng. Thế nhưng, khi ông T có việc làm tại một ngân hàng trên địa bàn thành phố Nha Trang cũng không khai báo. Khi phát hiện ông T có phát sinh đóng BHXH, ngành chức năng đã dừng chi trả trợ cấp và thực hiện truy thu số tiền ông T đã hưởng sai hơn 2,5 triệu đồng.

Mới đây, Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh vừa có thông báo kết luận thanh tra về việc tổ chức các lớp dạy nghề cho người thất nghiệp của Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh. Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2019 đến ngày 31/12/2020. Theo đó, có không ít lớp dạy nghề không tổ chức giảng dạy, hoặc gộp lớp không đúng quy định, học viên không đi học nhưng vẫn làm thủ tục thanh toán kinh phí hỗ trợ học nghề tại Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, từ tháng 4/2016 đến tháng 9/2021, Trung tâm chi hỗ trợ 5 cá nhân thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố trong công tác phối hợp giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy chế chi tiêu nội bộ nhưng chưa đúng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 10 Thông tư số 20 ngày 3/2/2016 của Bộ Tài chính. Đến nay, Trung tâm đã thu hồi 198,2 triệu đồng trong tổng số 278,1 triệu đồng.

Đây chỉ là hai trong số nhiều trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật, gian lận khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp, làm xâm phạm đến chế độ quản lý nhà nước đối với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng đội cho biết, căn cứ theo quy định Điều 214 Bộ luật hình sự hiện hành và Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP thì hành vi gian lận bảo hiểm thất nghiệp được hiểu là hành vi lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội, hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội, hoặc dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Đối với các hành vi gian lận bảo hiểm thất nghiệp thì tùy vào tính chất mức độ của hành vi mà cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, đối với xử phạt hành chính, chế tài xử phạt đối với hành vi gian lận bảo hiểm thất nghiệp được quy định rất rõ trong Nghị định 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022.

Theo đó, trong trường hợp người lao động có hành vi gian lận bảo hiểm thất nghiệp thì có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng theo khoản 1 Điều 40 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

Đối với người sử dụng lao động có hành vi gian lận bảo hiểm thất nghiệp có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng theo quy định tại khoản 2 Điều 40 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại cho cơ quan bảo hiểm xã hội số tiền trợ cấp thất nghiệp người lao động đã nhận do thực hiện hành vi vi phạm, căn cứ tại khoản 3 Điều 40 Nghị định này.

Căn cứ vào Điều 214 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 thì người nào thực hiện hành vi gian lận bảo hiểm thất nghiệp nhằm chiếm đoạt tiền bảo hiểm thất nghiệp từ 10 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại từ 20 triệu đồng trở lên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó, người có hành vi gian lận bảo hiểm thất nghiệp có thể đối diện với mức hình phạt thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm, mức hình phạt cao nhất là bị phạt tù đến 10 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, căn cứ theo khoản 4 Điều 214 Bộ luật hình sự hiện hành.

Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 với Luật sư Trần Xuân Tiền tại đây: