Một nữ thính giả viết thư gửi tới chương trình Bạn hãy nói với chúng tôi của VOV2 tâm sự:

Tôi năm nay 32 tuổi, đã lập gia đình được 5 năm, chồng hơn tôi 7 tuổi, chúng tôi đã có 1 em bé 4 tuổi và đang có kế hoạch có bé thứ hai. Công việc của tôi khá bận rộn, 7h sáng đi làm, 18h mới về đến nhà, áp lực công việc khiến tôi rất mệt mỏi nên khi về nhà chỉ muốn thả lỏng bản thân. Bố mẹ chồng tôi còn khỏe nên phần lớn ông bà dọn dẹp nhà cửa, tôi chỉ làm những việc nhỏ và đảm nhiệm việc rửa bát bữa tối, tắm giặt, chăm sóc con. Vợ chồng tôi góp tiền ăn cho ông bà mỗi tháng 10 triệu. Để ông bà đỡ vất vả, mỗi tuần, tôi thuê người đến dọn dẹp tổng thể nhà cửa 1 lần, tất cả trong gia đình đều vui vẻ về việc này. Tôi không bị áp lực chuyện làm dâu do bố mẹ chồng tôi đều là người rất hiểu chuyện nhưng càng ở với chồng, tôi lại càng cảm thấy áp lực.

Vốn là người thích hình thức nên cứ mỗi lần bước chân ra ngoài, quần áo chồng tôi phải được là thẳng tắp, đầu tóc bóng mượt. Việc đầu tiên khi về nhà là anh lau rửa xe nên dù xe máy hay ô tô anh sử dụng cả 5 năm mà lúc nào trông vẫn còn mới. Thế nhưng việc chỉ dừng lại ở đó, anh ấy chỉ giữ gìn sự sạch sẽ của bản thân mà không chú ý gì đến sự ngăn nắp cùng vợ con. Quần áo anh tự giặt, tự ủi, nhưng quần áo của vợ con, anh ấy mặc kệ. Đã có lần tôi để quần áo của mình và con 4 ngày không giặt trong giỏ, dù lúc đó quần áo bốc mùi, thế mà anh cũng bước qua, để mặc và như không phải việc của mình, tôi nhắc anh nhưng anh lại tỏ ra khó chịu, mắng vợ lười, ăn ở bừa bộn khiến tôi rất bức xúc.

Những giờ tập thể thao là thời gian bất khả xâm phạm của anh. Có như ngày giỗ, lễ Tết, mẹ và vợ bận tối mắt để mua bán, cỗ bàn, bố chồng cũng phụ vào bếp, không ai trông con thế mà tới giờ là anh ấy vẫn xỏ giày đi tập, mặc kệ mọi thứ. Có lần mẹ chồng bực mình không cho đi, anh cũng mặc kệ rồi làm theo ý mình.

Về kinh tế, anh ấy chịu trách nhiệm nộp tiền cho bố mẹ chồng, mất khoảng 50% tiền lương, phần còn lại anh giữ để chi tiêu bản thân, gặp gỡ bạn bè, chè thuốc…. Còn lại, tiền sữa, tiền học của con, đối nội đối ngoại, đi chơi và các khoản không tên khác, tôi phải tự lo. Vậy nhưng sau 5 năm kết hôn, vợ chồng tôi chẳng dành dụm được đáng là bao. Tôi cũng đã suy nghĩ tích cực nhưng vẫn thấy khó chịu bởi biết rằng anh ấy không chơi bời nhưng anh sống vô trách nhiệm, chỉ biết đến bản thân.

Cũng có lần tôi cáu gắt, gây gổ với chồng, anh tỏ ra khó hiểu và nói: “Những việc em làm được thì anh cũng làm được, thậm chí làm tốt hơn em nhưng làm vợ thì phải làm việc nhà, đàn ông phải làm những việc lớn, ai lại đi quét nhà, rửa bát”. Vậy nhưng những “việc lớn” của anh, cả năm may ra chỉ có đôi ba việc như: sửa nước, sửa điện lặt vặt, còn xây dựng gia đình là cả sự sẻ chia và thấu hiểu.

Vì anh như vậy nên tôi không muốn sinh đứa thứ hai bởi nếu sinh thêm, tôi sẽ có thêm sự ấm ức. Bố mẹ chồng ngày càng già, bà lại đau lưng, không thể trông cháu như trước được, mọi việc chắc sẽ đổ lên tôi, khi đó tôi sẽ cáu gắt nhiều hơn. Tôi phải làm gì để anh sống có trách nhiệm với gia đình hơn đây?

Sau khi câu chuyện được phát sóng, nhiều thính giả đã chia sẻ với nhân vật như thế này:

BTV cũng có đôi lời với nhân vật:

Phụ nữ chúng ta vốn coi trọng gia đình, sẵn sàng làm những công việc không được trả lương, thế nhưng nếu không có sự chia sẻ của chồng sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hạnh phúc gia đình. “Ăn một mình đau tức, làm một mình cực thân”, phụ nữ sau một ngày mệt mỏi, bận rộn vì việc cơ quan, khi trở về bên gia đình lại phải nai lưng làm việc nhà còn người chồng, người đàn ông trong gia đình lại chỉ ngồi một chỗ để xem Tivi, điện thoại hay chơi điện tử… không có sự chia sẻ, sớm muộn gì cãi vã cũng sẽ xảy ra.

Chị là người may mắn khi có bố mẹ chồng hiểu chuyện, thông cảm với con dâu. Các cụ còn khỏe nên đã đỡ chị việc nhà rất nhiều, chị cũng đã cám ơn họ về điều này, nhưng cũng có thể do quen thói ỷ lại vào bố mẹ hoặc quá được cưng chiều nên dường như chị sinh ra lười nhác làm việc nhà.

Chị trộm nghĩ chồng ích kỷ nên chỉ giặt giũ, là lượt đồ của mình, tóc tai lúc nào cũng bóng mượt, còn bỏ mặc vợ con, đúng là anh ấy có khuyết điểm, thế nhưng tôi nghĩ, xảy ra điều này chị đã chạm vào sự tự ái của chồng khiến anh ấy thay đổi suy nghĩ, thay đổi cách nhìn? Nếu đúng như vậy thì phải khắc phục. Thay bằng sự khó chịu, ấm ức thì hãy nói thẳng chuyện với chồng xem quan điểm sống của chồng ra sao?.

Cũng xin thông tin thêm với chị như thế này: Theo báo cáo phân tích dựa trên số liệu Điều tra Lao động - Việc làm của Tổ chức Lao Động quốc tế, phụ nữ trung bình dành số giờ gấp đôi nam giới để làm việc nhà. Thậm chí, 20% đàn ông Việt không hề làm việc nhà, mọi gánh nặng công việc gia đình dồn lên vai người phụ nữ. Những con số này quả thật chẳng vui vì ở nhiều nước, nhất là ở những nước phát triển, nam hay nữ đều có trách nhiệm ngang bằng nhau, họ coi đó là nhiệm vụ của mỗi người đối với gia đình. Còn ở nước ta do tư tưởng lạc hậu “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” đã dẫn tới một số anh em không chia sẻ việc nhà với vợ, nếu phàn nàn, góp ý, người chồng thường biện hộ bằng rất nhiều lý do khác nhau, rằng anh ta lo việc lớn, quét nhà, rửa bát có gì đâu mà phải tị nạnh như trường hợp chồng chị là ví dụ. Chẳng ai sinh ra đã biết làm mọi việc, dù là nam hay nữ, tất cả đều là sự học tập, rèn rũa bản thân và cả sự kiên trì nữa. Vậy nên để chồng thay đổi, chẳng có cách gì khác là trò chuyện nghiêm túc với anh ấy xem lỗi ở đâu, ai sai, người đó phải sửa. Nếu anh ta cho rằng, đó là thói quen, cách sinh hoạt của bản thân thì chị cũng có thể đồng hành với chồng để dần thay đổi thói quen đó bằng cách thay đổi bản thân trước, chăm dọn dẹp nhà với bố mẹ chồng nhiều hơn, bởi ông bà cũng đã lớn tuổi, không thể cứ mãi làm việc nhà gọn gàng được. Với anh ấy, đừng nghĩ mình cứ để vậy, người ta phải tự biết làm mà phải chủ động mở lời, chị nhé. Thay bằng sự cáu gắt, nhăn nhó khi không được chồng giúp đỡ, chị hãy nhờ anh cùng làm việc gì đó với vợ và vui vẻ cám ơn anh…. Không ai khắt khe với vợ nếu nhận được sự vui vẻ, niềm nở, chị ạ. Chúc chị hạnh phúc./.

Mời quý vị và các bạn nghe những chia sẻ của thính giả với nhân vật tại đây: