Đây là giải báo chí đầu tiên về bình đẳng giới được tổ chức tại Việt Nam, đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới thông qua vai trò của báo chí truyền thông. Đồng thời, thể hiện quyết tâm của Hội LHPN Việt Nam, UN Women và Hội Nhà báo Việt Nam trong việc thực hiện bình đẳng giới, góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về ý nghĩa quan trọng của bình đẳng giới đối với sự tiến bộ, phát triển của xã hội và hướng đến ghi nhận những đóng góp tích cực của truyền thông, báo chí trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em

Sau một tháng chính thức phát động, Giải Báo chí toàn quốc về Bình đẳng giới nhận được gần 370 tác phẩm dự thi đa dạng dưới các hình thức khác nhau từ báo in, báo điện tử đến các tác phẩm phát thanh, truyền hình xoay quanh ba chủ đề trọng tâm: Thúc đẩy phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; Thúc đẩy bình đẳng giới trong chuyển đổi số; Thúc đẩy bình đẳng giới trong phát triển kinh tế. Trong đó, báo điện tử và báo in chiếm số lượng cao nhất với 259 tác phẩm, tiếp đến là thể loại truyền hình với 70 tác phẩm, phát thanh với 32 tác phẩm tập trung vào chủ đề phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.

Mỗi tác phẩm đều mang tới những thông điệp ý nghĩa về bình đẳng giới, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, cũng là lời khẳng định sâu sắc vai trò của báo chí, truyền thông trong xây dựng một xã hội công bằng, tiến bộ, một môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Phát biểu tại lễ trao giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới năm 2024, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN cho biết: Các tác phẩm đã có sự đầu tư nghiêm túc, công phu, nhiều cách thức thể hiện sáng tạo, sinh động, hấp dẫn công chúng; thể hiện rõ năng lực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo báo chí khi khai thác các vấn đề về bình đẳng giới.

“Nhiều tác phẩm đã tập trung lên tiếng về những bất cập như định kiến giới, bạo lực trên cơ sở giới, các rào cản đối với sự tiếp cận cơ hội công bằng của phụ nữ và đề xuất những giải pháp thực tiễn, bền vững; Những mô hình, sáng kiến thúc đẩy bình đẳng giới, qua đó góp phần thay đổi nhận thức, khơi dậy sự đồng cảm và thúc đẩy hành động tích cực từ cộng đồng”. Bà Nguyễn Thị Minh Hương nhấn mạnh.

Sau quá trình sơ loại và chấm giải, Ban Tổ chức đã quyết định trao 24 giải thưởng cá nhân cho các tác phẩm xuất sắc cùng với 3 giải tập thể dành cho các cơ quan, đơn vị có số lượng tác phẩm dự thi nhiều nhất. Cơ cấu giải thưởng gồm 1 giải A, 1 giải B, 2 giải C và 2 giải khuyến khích cho mỗi thể loại báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình.

4 giải A thuộc về các tác phẩm: Ký sự Ia Mơ – đường ra “trạm đẻ” đã gần (Báo phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh); Thúc đẩy bình đẳng giới bền vững (Ban biên tập Trong nước, Thông tấn xã Việt Nam); Nhức nhối nạn tảo hôn vùng cao: Hủ tục hay nhờn luật pháp” (Ban Thời sự (VOV1), Đài Tiếng nói Việt Nam); Bà tôi, mẹ tôi, chị em tôi (Trung tâm Phim Tài liệu, Đài Truyền hình Việt Nam).

Giải Báo chí toàn quốc về Bình đẳng giới năm 2024 ghi nhận những đóng góp tích cực của các tập thể, cá nhân trong hoạt động truyền thông thúc đẩy bình đẳng giới thời gian vừa qua. Đây cũng là điểm nhấn trong chuỗi hoạt động rất ý nghĩa hưởng ứng “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cở sở giới” năm 2024, hướng đến kỷ niệm 30 năm thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh và 10 năm thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững.