Gửi thư về VOV2, nữ thính giả tâm sự:

Vợ chồng tôi cùng 46 tuổi, cưới nhau được 20 năm, có 3 con, có cả nếp và tẻ. Từ lúc cưới, anh luôn đòi sống chung với ba mẹ chồng, tôi quyết định vợ chồng đi thuê nhà, vừa tiện đi lại và cũng để tránh va chạm. Dù chồng không mấy vui vẻ nhưng cũng chiều theo ý vợ. Tôi cũng hiểu suy nghĩ của anh và thông cảm cho chồng nên bù đắp lại bằng việc luôn sống hết mình với gia đình chồng, nhiệt tình lo mọi việc giỗ chạp, tết nhất, tuần nào cũng đưa con về thăm nội… Tưởng vậy sẽ được chồng yêu thương, nhưng tôi đã lầm.

Cách đây 8 năm, tôi phát hiện anh có người khác, cô ấy nhỏ hơn tôi 10 tuổi, là đồng nghiệp, đã từng có chồng và một cậu con trai. Tôi đã đau khổ, tuyệt vọng bởi tôi tin tưởng anh hết mực, chăm sóc gia đình nhỏ, họ hàng…. chưa bao giờ tôi mảy may suy nghĩ về việc anh phản bội. Và tôi quyết định chấm dứt hôn nhân để anh được thoải mái qua lại với cô gái ấy. Thế nhưng khi tôi đã cầm quyết định ly hôn, ba mẹ tôi bệnh nặng, anh quay đầu xin tha thứ, tôi động lòng, sống tiếp và bỏ qua cho anh.

Có lẽ vết thương anh gây cho tôi quá nặng nên tình cảm tôi dành cho anh không thể trọn vẹn như xưa. Có lẽ anh cũng nhận ra sự thay đổi của tôi nên cũng sống rất hời hợt. Hàng tháng, anh đưa tôi một khoản tiền lương cố định, mỗi khi rảnh, anh dành toàn bộ thời gian để nhậu nhẹt hoặc gặp gỡ bạn bè. Cũng từ đó, những cuộc chiến tranh lạnh ngày một nhiều. Khi vợ chồng không hạnh phúc, mối quan hệ giữa họ hàng nhà chồng với tôi cũng rất mờ nhạt. Khi tôi đau khổ vì chuyện anh không chung thủy đã kể chuyện với gia đình anh với mong muốn họ khuyên nhủ anh nhận ra sai lầm. Thay vì động viên, an ủi tôi khi đang tổn thương tình cảm, họ lại quay ra trách ngược rằng: “nhìn mặt lầm lỳ, lạnh nhạt thế này nó đi làm phải” rồi “không biết nghe lời chồng, sống với bố mẹ sướng mà lại không hưởng, thích đi thuê nhà để suốt ngày cau có”…. Tôi lại tổn thương thêm lần nữa, từ đó cũng tự nhủ, chẳng cần thiết phải hy sinh vì họ.

Hôn nhân ngày càng căng thẳng, anh cũng chẳng quan tâm gì nhiều đến các con. Mỗi lần trái ý, anh giận tôi vài tháng không nói chuyện. Khi anh bị tai nạn gãy chân, tôi đưa vào bệnh viện, anh mới mở lời nói chuyện lại với vợ. Những ngày anh bị thương phải nằm một chỗ, tôi chăm sóc anh hết mực, khi chưa tháo bột, tôi cũng đã chủ đồng đưa đón anh đi làm và về nhà cho tới khi anh hoàn toàn bình thường. Vậy mà những tháng ngày yên ả đó cũng chỉ trôi qua được một vài tháng, sau đó đâu lại vào đó. Giờ đây tôi đã quá mệt mỏi vì sống với một người như vậy, tôi cũng nhận ra, không khí gia đình nặng nề đã ảnh hưởng không nhỏ đến các con. Tôi có nên giải thoát cho bản thân và các con với người chồng, người cha như vậy?

Khi câu chuyện được phát sóng và đăng tải trên fanpage https://www.facebook.com/banhaynoivoichungtoi, nhiều thính giả đã góp ý với nhân vật:

BTV chương trình cũng có vài lời chia sẻ với nhân vật như sau:

Cũng là một người phụ nữ, là vợ nên tôi rất hiểu tâm trạng của bạn khi phải sống trong cảnh vợ chồng sống với nhau nhạt nhẽo, thường xuyên xảy ra cãi vã. Ai cũng cảm thấy ngột ngạt, chán nản khi phải sống trong môi trường như vậy. Thực tế trong cuộc sống hôn nhân, rất hiếm cặp vợ chồng nào không mâu thuẫn, bất đồng quan điểm, thế nhưng cái gì cũng có cái ngưỡng của nó, nếu ngày nào cũng mâu thuẫn, cãi vã thì không thể sống chung được với nhau suốt đời được.

Có người cho rằng, có mâu thuẫn mới có thể khám phá tính cách, nhận ra quan điểm sống của nhau nhưng mâu thuẫn cũng phải biết cách dung hòa, biết mình sai, có lỗi ở đâu để sửa, đó mới là điều tốt. Nếu mâu thuẫn không có cách hóa giải, không biết hạ “cái tôi” của mình xuống, sẽ có lúc hôn nhân tan vỡ. Cái gì cũng phải nhìn từ 2 phía, bởi ai cũng có lý do để chứng minh là mình đúng. Chính vì vậy hãy khoan khẳng định rằng bạn đúng, chồng sai mà chúng ta cùng tìm nguyên nhân cốt lõi để quyết định tiếp tục hôn nhân hay dừng lại.

Bạn có chia sẻ, ban đầu về nhà chồng, anh ấy muốn sống cùng bố mẹ nhưng bạn nhất quyết đi thuê nhà. Điều này không sai bởi khi ở riêng, vợ chồng bạn sẽ biết sắp xếp cuộc sống, tự tay xây dựng gia đình theo cách của mình, ở đó, mỗi người đều phải chung tay góp sức. Thế nhưng cái gì cũng có cái giá của nó, giá của sự tự lập là vất vả, tự lo toan, không được nhờ cậy nên vợ chồng phải biết sắp xếp công việc và cả kinh tế một cách khoa học. Nhưng chính sự vất vả này mà nhiều đôi vợ chồng đã xảy ra cãi vã.

Vợ chồng bạn chắc cũng không tránh khỏi điều này khi vừa phải lo tiền thuê nhà, vừa phải chăm sóc 3 con nhỏ, va chạm với nhau sẽ tăng lên rất nhiều so với khi sống với ông bà nội vì không mất tiền nhà, con cái có người chăm sóc, đỡ đần… Từ việc vất vả, có thể bạn cũng bỏ bê ngoại hình, tính tình cũng trở nên “khó ưa”. Khi chồng làm trái ý việc gì thì luôn to tiếng, cằn nhằn, nói đi nói lại, chê trách anh ấy, trong khi bản tính đàn ông lại rất ghét phụ nữ nói dai và càu nhàu vì tính sĩ diện, tự ái rất cao.

Về phía chồng, từ công sở về nhà, anh ấy chỉ muốn nghỉ ngơi, thả lỏng bản thân. Thế nhưng tổ ấm còn có hàng núi công việc cần anh ấy chung tay cùng vợ lại nghe vợ càm ràm, dần dần anh ấy sẽ chán ngán khi về nhà. Trong khi đó, đồng nghiệp của anh ấy lúc nào cũng dịu dàng, ăn mặc chỉn chu, lúc nào mặt mũi cũng tươi tắn, dễ chịu…. So sánh hình ảnh một cô vợ cau có, lôi thôi, anh ấy dễ dàng bị cuốn hút mà chẳng nghĩ ngợi nhiều. Khi bị phát hiện, may mắn anh ấy đã nhận ra sai lầm, từ bỏ cuộc tình phiêu lưu.

Khi quay lại tổ ấm, có lẽ anh ấy cũng đã có những hành động sửa chữa lầm lỡ, níu kéo hôn nhân. Nhưng dường như, tuy bạn có thể nói tha thứ chồng nhưng lại chưa bỏ qua hoàn toàn, mỗi lúc không vừa ý lại lôi chuyện đó ra nhắc lại, dần dần anh ấy chai lỳ với cảm xúc và tìm quên ở những cuộc nhậu sau tan sở, căng thẳng ngày càng dâng cao trong gia đình. Khi bạn buồn chán, việc nghĩ đến ly hôn là điều tất yếu, thế nhưng hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định bởi nó ảnh hưởng đến quãng đời còn lại của bạn và cả các con.

Nếu có thể, bạn hãy cố gắng thay đổi cách cư xử của mình trước. Đừng ngại điều này bởi khi không thể thay đổi ai đó thì bản thân hãy thay đổi. Thử nói chuyện nhẹ nhàng với chồng hơn, nhờ anh ấy làm việc gì đó rồi có ý khen ngợi. Bạn cũng tự quan sát xem anh ấy chuyển biến như thế nào với khoảng thời gian mà bạn tự đề ra (khoảng 6 tháng đến 1 năm chẳng hạn). Sau thời gian đó, nếu thấy thực sự không thay đổi gì được, đành phải chia tay, còn nếu nhận ra có thay đổi, dù ít hay nhiều, có thể cho anh ấy thời gian dài thêm. Không ai muốn chấm dứt một mối quan hệ khi nó đang phát triển, nhưng khi nó trở nên tồi tệ, chúng ta cũng nên buông tay để có một cuộc sống tốt đẹp, vui vẻ hơn, bạn ạ./.