Lo “chuyện bao đồng”

Bà Trần Thị Kim Thia được người xã Hưng Thạnh (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) gọi với cái tên trìu mến, thân thương là bà Sáu Thia. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng cứ hè đến, mùa nước lũ sắp về là bà gác hết mọi công việc để dành thời gian dạy bơi cho trẻ.

Bà đi đến từng nhà các em có độ tuổi từ 7 đến 15 chưa biết bơi để vận động phụ huynh cho các em đến lớp dạy bơi. Nhờ tấm lòng yêu trẻ nên bà Sáu Thia luôn nhẫn nại, hướng dẫn từng động tác, thời gian dạy không giới hạn, bà dạy đến khi nào trẻ biết bơi thì “khóa học” mới kết thúc.

Mỗi ngày, bà Sáu Thia cho các em học 2 buổi: Sáng từ 8-10 giờ và buổi chiều từ 3 - 5 giờ chiều. Trước khi xuống nước, bà Sáu Thia dạy các trẻ em khởi động làm nóng cơ thể. Sau đó, từng em vào hồ bơi làm quen với môi trường nước. Từng động tác như bệ đỡ để các em nổi trên mặt nước và tập đạp chân, bà Sáu Thia dạy và kèm từng trẻ.

Khi đã quen và các em đã làm được, bà Sáu Thia dạy các em bơi trườn. Từng tiếng còi khi thổi lên là khẩu hiệu xuất phát để báo hiệu các em bắt đầu bơi. Cứ như thế, mỗi ngày, trải qua hơn 20 năm, bà Sáu Thia đã dạy bơi được cho khoảng 4.000 trẻ em ở vùng sông nước miền Tây.

Em Lê Kim Ngân, học sinh lớp 5 (ấp 3, xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười) theo học bà Sáu Thia đã được hơn 1 năm cho biết: "Em sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước nên ba mẹ em rất lo lắng về việc em bị sẩy chân đuối nước. Dù ba em đã từng dạy bơi cho em nhưng ba mẹ vẫn không yên tâm để em đi học một mình.

Thế nhưng, khi học lớp bơi của bà Sáu, khả năng bơi của em đã tiến bộ rõ ràng. Đến giờ, em đã bơi thành thạo và ba mẹ em hoàn toàn yên tâm để em đi học một mình. Không chỉ em mà các bạn trong xóm cũng vậy".

Tâm niệm giản đơn

Chia sẻ về việc vì sao bà lo “chuyện bao đồng”, bà Sáu Thia chỉ cười và nói: "Trẻ em là thế hệ tương lai của đất nước. Thế nhưng tình trạng đuối nước xảy ra ở độ tuổi nhỏ rất nhiều. Tâm niệm lớn nhất của tôi bây giờ là bọn trẻ được an toàn.

Tôi không nghĩ đến bản thân tôi. Tuổi già giờ cũng nhiều lúc ốm đau, bệnh tật nhưng khi hết bệnh là tôi lại tiếp tục dạy. Vì trẻ em là đời sống của mình mà. Đất nước nhờ nó, xã hội nhờ nó, chứ mình không nhờ nó được. Ngày hôm nay mình cố gắng dạy cho nó biết lội để không xảy ra chuyện không hay khi ở vùng sông nước".

Đề cập vấn đề dạy bơi cho trẻ, bà Lê Thị Kim Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Thạnh cho biết, mô hình bể bơi của bà Sáu Thia rất thiết thực và hiệu quả. Không chỉ giúp các em nhỏ biết bơi, hạn chế được tình trạng đuối nước, mô hình còn chứa đựng cái tâm của người phụ nữ cao tuổi với thế hệ trẻ và xã hội.

"Mô hình dạy bơi miễn phí của bà Sáu Thia đã được người dân địa phương và chính quyền quan tâm trong khoảng 5 năm trở lại đây. Những mô hình dạy bơi như của bà Sáu Thia được đánh giá là phù hợp với điều kiện sống tại nông thôn, đặc biệt là những nơi có hệ thống kênh rạch nhiều như huyện Tháp Mười", bà Lê Thị Kim Cương nói.

Nguồn: laodong.vn