Thời gian vừa qua, các đối tượng bằng thủ đoạn tinh vi, gọi điện giả danh các cơ quan chức năng như: Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.

Ngày 7/5, Công an phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) tiếp nhận đơn trình báo của ông Q. (trú tại quận Cầu Giấy) về việc nhận được cuộc điện thoại từ một đối tượng tự xưng là công an, thông báo ông Q. đang bị điều tra về vụ án ma túy và yêu cầu ông Q. chuyển tiền cho anh ta để xác minh. Sau khi chuyển 2,6 tỷ đồng cho người gọi điện thoại, ông Q. mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.

Ngày 11/5, Đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP Vinh tạm giữ hình sự đối với Trần Trọng Sơn (SN 1985, trú tại huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) về hành vi "tàng trữ trái phép chất ma túy". Có được thông tin vụ việc, Trần Thị Hà Phương đã liên hệ với người nhà anh Sơn giới thiệu là công an, yêu cầu người nhà chuyển khoản 30 triệu đồng thì Sơn sẽ được thả tự do. Sau khi đã nhận được tiền, đến sáng 12/5, Phương tiếp tục yêu cầu người nhà anh Sơn chuyển tiếp 45 triệu đồng. Nghi ngờ bị đối tượng mạo danh công an để lừa đảo, người nhà anh Sơn đã trình báo công an.

Luật sư Nguyễn Hữu Toại , Công ty Luật TNHH Hừng Đông cho biết: Theo điều 174 của Bộ luật Hình sự, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm có 02 hành vi: Hành vi lừa dối và hành vi chiếm đoạt. Hai hành vi này đều có quan hệ mật thiết với nhau. Hành vi lừa dối được xem là điều kiện tiên quyết để hành vi chiếm đoạt xảy ra. Còn hành vi chiếm đoạt chính là kết quả, mục đích cuối cùng của hành vi lừa dối. Người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội.

Về hình phạt đối với tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Điều 174 Bộ luật hình sự quy định: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với các trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Các trường hợp phạm tội có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp, chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, dùng thủ đoạn xảo quyệt, lợi dụng chức vụ, quyền hạn thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Nếu chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

Trong trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Để không trở thành miếng mồi ngon cho các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, nhất là trong việc cung cấp, trao đổi, chia sẻ thông tin cá nhân, giữ bí mật thông tin cá nhân, không chuyển tiền cho bất cứ ai, bất cứ yêu cầu nào khi không có căn cứ cụ thể, rõ ràng bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền./.