Năm 2015, bà Đoàn Thị Hồng ở tỉnh Bắc Giang chuyển quyền sử dụng đất cho con trai và con dâu. Vợ chồng người con trai đã đứng tên trên GCNQSDĐ. Cuối năm con trai bà Hồng mất, lo ngại con dâu đi bước nữa, bán đất, không còn chỗ ở, bà Hồng muốn lấy lại thửa đất này nhưng bị địa chính xã từ chối làm thủ tục.

Về trường hợp này, theo luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Cty Luật TGS, theo quy định tại Điều 401 Bộ luật dân sự năm 2015, Điều 188 Luật đất đai năm 2013 và Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, nhà đất mà vợ chồng bà Hồng tặng cho vợ chồng con trai đã trở thành tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, thuộc quyền sử dụng và sở hữu của vợ chồng người con trai, không còn là tài sản của vợ chồng bà Hồng.

Con trai bà Hồng đã chết và không có di chúc nên theo quy định tại Điều 650 và Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015, nhà đất sẽ là di sản thừa kế của con trai bà Hồng và sẽ được chia thừa kế theo pháp luật cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của con trai bà Hồng (nếu những người này còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi con trai bà Hồng chết). Những người thừa kế cùng hàng sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau.

Vợ chồng bà Hồng cũng như người con dâu sẽ không có toàn quyền sử dụng, sở hữu và định đoạt đối với phần nhà đất là di sản thừa kế của con trai bà Hồng. Việc phân chia, định đoạt đối phần nhà đất này phải do các đồng thừa kế cùng thỏa thuận và quyết định. Nếu các đồng thừa kế không thể tự thỏa thuận phân chia di sản thì có quyền khởi kiện vụ án dân sự, đề nghị Tòa án phân chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật.

Mời quý vị nghe luật sư Nguyễn Đức Hùng tư vấn cụ thể tại đây: