Nhà nước của ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân, dân phải được biết, dân phải được bàn, muốn vậy thì phải công khai, minh bạch thông tin, mọi thông tin người dân phải nắm được, trừ những thông tin liên quan đến bí mật quốc gia. Do công nghệ thông tin ngày càng phát triển nên thời gian qua, người dân đã tiếp cận được nhiều thông tin liên quan đến hoạt động của chính quyền cơ sở, từ đó tích cực tham gia thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương, giám sát hoạt động của chính quyền địa phương, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân theo luật định. Bà Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa 13 nhìn nhận: Trong giai đoạn vừa rồi, dưới sự chỉ đạo chung và mong muốn chung của lãnh đạo, người dân phát huy quyền dân chủ của mình tham gia xây dựng chính quyền và địa phương, mọi quyết sách xuất phát từ người dân nên dân đã được tạo điều kiện tham gia giám sát tất cả các công việc ở địa phương có liên quan đến mình.

Tuy nhiên, việc thực hiện công khai, minh bạch thông tin ở cơ sở hiện vẫn có những tồn tại nhất định Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được Ban chỉ đạo Trung ương đánh giá vẫn tồn tại nhiều hạn chế ở cấp cơ sở. Qua đo lường, đánh giá chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2020 (công bố tháng 5-2021) cho thấy, ở cả 6 dịch vụ hành chính công được khảo sát đều có tình trạng người dân, tổ chức phải trả thêm tiền ngoài phí, lệ phí theo quy định. Một số vụ việc khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết dứt điểm, tiềm ẩn những điểm nóng (trên 60% liên quan đến đất đai); đặc biệt, xảy ra một số vụ việc tiêu cực liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng, chống dịch và đời sống của nhân dân. Tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn diễn ra tại một số nơi; thủ tục hành chính có cải thiện nhưng vẫn còn gây phiền hà cho người dân.

Trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, tiếp công dân đóng một vai trò hết sức quan trọng vì qua đó, người dân có thể được biết, được bàn, được kiểm tra. Thế nhưng có những địa phương lại chưa chú trọng đến công tác này khiến người dân bức xúc, khiếu nại vượt cấp…. Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương, Thanh tra Chính phủ cho rằng: Việc tiếp dân không chỉ giải quyết khiếu nại tố cáo, kiến nghị phản ánh mà tiếp công dân để xây dựng chính quyền, để nâng cao năng lực lãnh đạo và vận động người dân để tuyên truyền, công khai minh bạch các chủ trương, chính sách của Nhà nước, của chính quyền của địa phương. Qua đó, họ tham gia xây dựng chính quyền và thực hiện giám sát. Chính vì vậy, mối quan hệ giữa người dân và chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu gần gũi hơn, công việc hiệu quả tốt hơn, người dân thấy được tôn trọng, dân ủng hộ và người dân tham gia để chính quyền ngày càng phục vụ tốt hơn.

Sinh thời, Hồ Chí Minh sử dụng cụm từ “Dân là chủ” để nói lên vị thế xã hội, địa vị pháp lý tối thượng của người dân trong chế độ mới. Người khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”. Như vậy cũng có nghĩa, mọi việc làm của lãnh đạo phải cho dân biết và dân kiểm tra, có như vậy thì mới minh bạch được mọi việc.

Gần 15 năm nay, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được thực hiện theo quy định tại Pháp lệnh số 34/2007. Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai cũng như yêu cầu tình hình và nhiệm vụ mới cho thấy, các quy định đã bộc lộ những bất cập cần phải xây dựng và ban hành Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đang được các đại biểu Quốc hội thảo luận và dự kiến thông qua tại kỳ họp Quốc hội lần này có rất nhiều vấn đề được mở rộng, ví dụ như việc thực hiện dân chủ ở xã phường đã mở rộng việc công khai, minh bạch thông tin hơn, hình thức công khai thông tin cũng đa dạng hơn… Tuy nhiên, bà Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa 13 nhìn nhận: Luật Thực hiện quy chế dân chủ cần ngắn gọn, dễ hiểu và súc tích, có như vậy, người dân nắm vững quy định và thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở.

Mời quý vị và các bạn cùng nghe cuộc trao đổi của phóng viên chương trình với bà Bùi Thị An tại đây: