Sáng nay, 1/11, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình Quốc hội dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Nhấn mạnh đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, tư liệu sản xuất cơ bản, là không gian phát triển và là nguồn lực to lớn của đất nước, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhận định, trong thời gian qua, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thi hành, Luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững; việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp; suy thoái, ô nhiễm, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng;…

Những tồn tại, bất cập nêu trên có nguyên nhân do hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, yêu cầu phát triển của đất nước; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có liên quan chưa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ; giá đất chưa phản ánh thực tế thị trường; việc thực hiện pháp luật về đất đai có lúc, có nơi còn chưa nghiêm...

Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao…

Một số vấn đề quan trọng cần phải sửa đổi trong Luật Đất đai

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi gồm 16 chương, 245 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều.

Dự thảo đã quy định cụ thể quyền và trách nhiệm của Nhà nước; quyền, nghĩa vụ của Công dân đối với đất đai; hoàn thiện các quy định về các quyền của người sử dụng đất; bổ sung hoàn thiện các quy định về nguyên tắc bảo đảm tính đặc thù, liên kết vùng; đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; bảo đảm sự cân bằng giữa nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương và phù hợp với tiềm năng đất đai nhằm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.

Hoàn thiện các quy định về quyền của người sử dụng đất

Bên cạnh các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn, quyền được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định hiện hành, dự thảo Luật đã bổ sung quy định quyền được thế chấp, cho thuê lại quyền thuê đất trong hợp đồng thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm, bán tài sản thuộc sở hữu gắn liền với đất;

Quyền và nghĩa vụ sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm, trên không; quyền tự đầu tư trên đất và các quy định về góp quyền sử dụng đất để xây dựng, chỉnh trang đô thị phục vụ lợi ích chung của cộng đồng. Bổ sung quy định người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả sử dụng.

Giải quyết vướng mắc liên quan đến công nhận quyền đối với hộ gia đình, cá nhân không có các giấy tờ về quyền sử dụng đất; giấy chứng nhận liên quan đến hộ gia đình sử dụng đất.

Minh bạch khi thu hồi đất

Theo dự thảo, Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, trước hết là các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Ngoài dự án xây dựng trụ sở và kết cấu hạ tầng kỹ thuật, các địa phương được thu hồi đất để làm công trình phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư; khu đô thị, nhà ở thương mại, dân cư nông thôn; tái định cư, nhà ở cho sinh viên; nhà ở xã hội, công vụ...

Tờ trình Quốc hội được Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày sáng nay (1/11) tại Quốc hội cho thấy, Ủy ban đã đề nghị Chính phủ rà soát, quy định cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; rà soát các trường hợp thu hồi đất quy định tại Điều 86, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết 18 và Hiến pháp, xác định rõ tính chất vì lợi ích quốc gia, công cộng để tăng tính minh bạch, tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan, không đúng bản chất, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi tránh tình trạng người sử dụng đất khiếu nại, khiếu kiện.

Xác định giá đất phù hợp giá thị trường

Dự thảo Luật đã nêu, một trong các nguyên tắc định giá đất là "phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường”. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ định nghĩa giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường là gì? Để bảo đảm tính công khai, minh bạch trong định giá đất, dự thảo cần quy định rõ phương pháp định giá đất và trường hợp áp dụng cụ thể.

Theo điều 165, cơ quan quản lý đất đai được thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất để xác định giá đất cụ thể. Tuy nhiên, để bảo đảm tính độc lập, khách quan, trung thực trong xác định giá đất, Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định việc thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất là bắt buộc. Dù có thể áp dụng nhiều phương pháp xác định giá đất, thẩm định giá đất khác nhau nhưng phải chọn phương pháp có kết quả cao nhất để không làm thất thoát ngân sách Nhà nước.

Bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất

Khoản 2 điều 97 dự thảo Luật quy định việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ".

Cơ quan thẩm tra cho rằng nguyên tắc này cần được định lượng cụ thể hơn, có quy định hướng dẫn chi tiết, bảo đảm khả thi khi thực hiện, để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất, tránh trường hợp người dân không chấp nhận phương án bồi thường do quy định không rõ ràng. Đồng thời, cần có cơ chế và phân công trách nhiệm giám sát, đánh giá việc thi hành nguyên tắc này để bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả.

Ủy ban cũng đề nghị quy định thứ tự ưu tiên trong các hình thức bồi thường về đất, bảo đảm thực hiện bồi thường thỏa đáng, công bằng, không gây ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện. Cơ quan soạn thảo có thể nghiên cứu bổ sung quy định về cơ chế bồi thường linh hoạt trên cơ sở nhu cầu của người có đất thu hồi, tương ứng với quyền, lợi ích của họ được hưởng khi bị thu hồi đất và địa phương, tổ chức có liên quan có khả năng đáp ứng.

Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Mục đích xây dựng dự án Luật đất đai sửa đổi nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập quốc tế; giải quyết các chồng chéo, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn; tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế,... hài hòa quyền, lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản lành mạnh. Phát huy nguồn lực đất đai, tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, hiệu quả gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; phát huy dân chủ, hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai.

Sau khi Chính phủ trình dự án luật Đất đai sửa đổi, ngày 3/11, Quốc hội sẽ thảo luận nội dung này ở tổ và ngày 14/11 sẽ thảo luận tại hội trường.

Dự kiến, Luật Đất đai sửa đổi sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tháng 10/2023.