Bảo hiểm vi mô là bảo hiểm được thiết kế với tiêu chí: mức phí nhỏ, thủ tục đăng ký, yêu cầu bồi thường đơn giản linh hoạt phù hợp với nhiều hình thức thanh toán như: tích hợp vào giao dịch trên ứng dụng ví điện tử, gọi xe, gọi đồ ăn, thanh toán hóa đơn,...và vẫn mang đầy đủ đặc tính của sản phẩm bảo hiểm thông thường hướng tới hướng tới hỗ trợ các gia đình hoặc các cá nhân có thu nhập thấp.

Ông Nguyễn Hữu Trí – Giám đốc công ty Bảo hiểm IGLOO Việt Nam cho rằng:Với dân số gần 100 triệu người, trong đó đối tượng có thu nhập thấp và những người yếu thế trong xã hội chiếm khoảng 20%, thị trường bảo hiểm vi mô ở Việt Nam rất tiềm năng. Ngoài ra số lượng người sử dụng các thiết bị số thông minh như smartphone và am hiểu công nghệ tăng nhanh đi kèm với đòi hỏi những sản phẩm bảo hiểm đơn giản, nhanh chóng và dễ tiếp cận hơn chính là thị trường tiềm năng rộng lớn cho bảo hiểm vi mô ở nước ta.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm vi mô tại các nước khu vực Đông Nam Á chiếm bình quân hơn 10% dân số và kinh nghiệm từ các nước phát triển bảo hiểm vi mô trong khu vực cho thấy, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm tăng đáng kể sau khi chính sách phát triển bảo hiểm vi mô được hoàn thiện. Chẳng hạn, tại Philippines, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm vi mô đã tăng từ 20% năm 2017 lên 46% năm 2020 sau khi Cơ quan Quản lý bảo hiểm Philippines đưa bảo hiểm vi mô vào quy định tại luật bảo hiểm năm 2018 của nước này.

Nước ta có hơn 6,4% dân số là hộ nghèo, hộ cận nghèo, tương đương khoảng 6,4 triệu người, nhưng tỷ lệ nhóm này tham gia bảo hiểm vi mô còn rất hạn chế, chưa kể tới những thành phần yếu thế khác. Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty luật ANVI nhìn nhận: Tham gia bảo hiểm là đảm bảo an toàn cho đời sống của người dân, nhưng hiện nay, việc mua bảo hiểm có nhiều hạn chế do phía cung cấp dịch vụ có nhiều vấn đề làm cho chất lượng không cao. Về phía người dân, do có nhiều thiếu thốn trong cuộc sống thường ngày nên chưa nghĩ đến việc mua bảo hiểm. Bảo hiểm vi mô còn khó hơn vì tính chất của các doanh nghiệp kinh doanh phải thu nhỏ lẻ, rủi ro chưa được pháp luật quy định rõ ràng nên cả hai bên là doanh nghiệp và người dân chưa mấy mặn mà.

Dự thảo Luật kinh doanh bảo hiểm mới đã đưa ra các quy định về bảo hiểm vi mô, tạo hành lang pháp lý cần thiết cho sự phát triển của loại hình bảo hiểm này. Điều này cho thấy tính cần thiết tất yếu của bảo hiểm vi mô tại nước ta, cũng cho thấy quan điểm định hướng thị trường của các cơ quan quản lý nhà nước./.

Mời quý vị nghe trao đổi của phóng viên VOV2 với ông Nguyễn Hữu Tự Trí - Giám đốc Công ty bảo hiểm IGLOO và Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty luật ANVI tại đây: