Thời gian qua, ngành thuế đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ – là những đơn vị có nhiều khó khăn về tài chính, nhân lực….
Dù vậy nhưng gần đây, không ít doanh nghiệp, ngành hàng đã gặp vướng mắc do chậm được hoàn thuế giá trị gia tăng. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) là một ví dụ. Trong những năm qua, ngành công nghiệp gỗ từng đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 20 tỷ USD và trở thành quốc gia xuất khẩu lớn sau Trung Quốc, thế nhưng vài năm gần đây, đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng xuất khẩu gỗ bị sụt giảm mạnh. Theo đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hiện nay có vài ngàn tỷ đồng thuế giá trị gia tăng của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ chưa được hoàn, trong đó ngành dăm gỗ chiếm gần 2/3 vì nhiều lý do.
Việc chậm xử lý thuế giá trị gia tăng đối với các doanh nghiệp, ngành hàng cũng đã được nhắc tới tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15 đang diễn ra, đại biểu Trần Văn Lâm – Đoàn Bắc Giang cho rằng: Hiện nay quy trình hoàn thuế còn phức tạp, nhiều khâu trung gian… khiến việc hoàn thuế khó khăn. "Thuế VAT được coi là sắc thuế tiên tiến, hiện đại, song cũng có không ít vấn đề. Điều đáng nói quy trình hành thu phức tạp, tốn kém diễn ra ở rất nhiều khâu trung gian"
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn Quảng Ninh) cũng cho biết, thời gian qua việc chậm giải quyết hồ sơ hoàn thuế VAT khiến các doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề. Những ách tắc mang tính hệ thống trong khâu hoàn thuế đối với một số nhóm ngành hàng xuất khẩu xuất phát từ những văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Tổng cục Thuế có những điểm chưa phù hợp, thiếu cơ sở pháp lý vững chắc, thiếu tính khả thi, thiếu sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan.
Theo quy trình quản lý, ngành Thuế tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế của các doanh nghiệp trên nguyên tắc: người nộp thuế tự tính, tự khai và tự chịu trách nhiệm. Các hồ sơ đề nghị hoàn thuế do cơ quan thuế tiếp nhận được phân loại thành 2 trường hợp: Hoàn thuế trước kiểm tra sau và kiểm tra trước hoàn thuế, thời gian giải quyết hồ sơ là 6 ngày làm việc, diện kiểm trước, hoàn sau là 40 ngày làm việc. Cơ quan thuế cho biết, bên cạnh đa số doanh nghiệp thực hiện đúng quy định thì có một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách, sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp để gian lận tiền hoàn thuế. Cùng với đó, một số hồ sơ chưa đáp ứng đầy đủ quy định về hoàn thuế khiến cơ quan chức năng phải tiến hành xác minh theo tinh thần xác minh đến đâu, hoàn thuế đến đó. Bà Lê Thị Duyên Hải – Vụ trưởng Vụ Kê khai, Kế toán thuế – Tổng cục thuế cho biết: Năm 2023 Tổng cục Thuế ban hành Quy trình hoàn thuế mới, ban hành Bộ tiêu phí áp dụng quản lý rủi ro để xây dựng kế hoạch, kiểm tra, thanh tra hoàn thuế, sửa đổi, hoàn thiện các quy trình trong quản lý thuế, phục vụ quản lý hoàn thuế tháo gỡ khó khăn đối với những doanh nghiệp có đầy đủ chứng từ hợp lệ. Tuy nhiên, với những đối tượng lợi dụng chính sách hoàn thuế để chiếm đoạt tiền hoàn thuế, ngành thuế cũng đã có những biện pháp quyết liệt. "Cơ quan thuế phối hợp với Hải Quan, cơ quan Công an và những trong việc trao đổi thông tin với những đối tượng gian lận thương mại và có những biện pháp xử lý triệt để" - bà Duyên Hải cho biết.
Tuy nhiên, để giảm tối đa những khó khăn, vướng mắc về hoàn thuế như đã xảy ra, bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung những quy định đã lạc hậu, cần nâng cao hơn nữa năng lực của cán bộ quản lý thuế, hải quan… từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển./.
Mời quý vị và các bạn nghe bài viết tại đây: