Nguyễn Trung Nghĩa – 25 tuổi, là kỹ sư đứng máy làm việc tại Công ty TNHH chuyên về lọc bụi, lọc khí ở quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội đã được 3 năm. Từ khi mới ra trường chưa có kinh nghiệm, Nghĩa được công ty tạo điều kiện để nâng cao tay nghề và thực hiện đúng chính sách lương, thưởng thỏa đáng, Nghĩa đã cống hiến hết mình cho doanh nghiệp.
Còn chị Nguyễn Bích Hà - công nhân ở một công ty tư nhân đóng tại phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội đã “trụ vững” tại doanh nghiệp gần chục năm nay. Chị cho biết: Thu nhập đủ sống cộng với các chế độ chính sách đầy đủ, thậm chí là hơn những điều khoản chị đã giao kết trong HĐLĐ là “sức hút” để chị ở lại với đơn vị.
Cũng là công nhân tại một doanh nghiệp tư nhân ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội, anh Nguyễn Văn Vinh cũng đã gắn bó và trở thành “thợ cứng” của công ty hơn chục năm nay. Anh Vinh cho biết: Điều khiến anh trụ tại doanh nghiệp tới thời điểm này là do công ty luôn thực hiện đúng những điều đã giao kết trong HĐLĐ không khác gì so với những doanh nghiệp lớn bên ngoài. "Được như thế này là sự giao kết trong HĐLĐ được đúng. Cùng với đó là giúp đỡ của công ty nên mình thấy là thỏa đáng. Cũng được quan tâm kịp thời trong lúc khó khăn. Thu nhập tới thời điểm này là ổn định. Thực hiện còn cao hơn hợp đồng" - Anh Vinh cho biết.
Dù không phải là tất cả, thế nhưng những tâm sự mà công nhân ở những doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố Hà Nội đã cho thấy “sức nặng” của bản HĐLĐ đối với người lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa. Căn cứ vào đó, người lao động và người sử dụng lao động thấy được quyền lợi và trách nhiệm của mình. Chị Nguyễn Thu Hồng, Giám đốc Công ty TNHH may Việt Sing cho biết: "Doanh nghiệp ký HĐLĐ đầy đủ, tạo điều kiện cho người lao động để nâng cao đời sống vật chất, tất nhiên doanh nghiệp cũng rất khó khăn, rất thiệt thòi nhưng vì người lao động nên vẫn thực hiện chính sách với người lao động về BHXH, BHYT và tất cả mọi chính sách liên quan đến lao động, tất nhiên cái này ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp nhưng để giữ được lao động ổn định thì phải chấp nhận."
Nhưng thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng ký kết và thực hiện đầy đủ những quy định tại HĐLĐ. Doanh nghiệp vừa và nhỏ thường gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt từ khi dịch Covid bùng phát, số lượng đơn hàng giảm, doanh thu giảm, các doanh nghiệp này đã phải “chắt chiu” để duy trì hoạt động nên không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cho người lao động, dù biết là vi phạm quy định của pháp luật về lao động. Có những doanh nghiệp đã soạn sẵn HĐLĐ với những điều khoản có lợi cho mình, tuy nhiên, nhiều người lao động do khó khăn về việc làm trong giai đoạn này đã chấp nhận ký những HĐLĐ này. Ông Phan Nghiêm Long – Ban Quan hệ lao động – Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: Đây không chỉ là hành vi phạm quy định về pháp luật lao động, nếu có tranh chấp xảy ra, HĐLĐ này cũng sẽ vô hiệu.
Dù những quy định về HĐLĐ không mới, thế nhưng không phải ai cũng hiểu. Luật sư Trần Xuân Tiền – Văn phòng luật sư Đồng Đội cho biết: Để không vướng mắc về pháp lý khi ký kết HĐLĐ, cả 2 bên người lao động và người sử dụng lao động cũng cần phải chú ý: Thông tin về tên, địa chỉ doanh nghiệp người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động. Thông tin về họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động và một số thông tin khác của người lao động; Công việc và địa điểm làm việc; Thời hạn của hợp đồng lao động; Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, phụ cấp lương, thời hạn tăng lương, điều kiện tăng lương và các khoản bổ sung khác; Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động; Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề…
Mời quý vị và các bạn nghe bài viết tại đây