Theo thống kê tại tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, từ khi thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho đến thời điểm hết giãn cách xã hội, cả nước có 171 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đã gần hết thời hạn kiểm tra, xác minh, có 77 vụ án đã gần hết thời hạn điều tra nhưng chưa có căn cứ để ban hành quyết định tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Có 111 vụ án đang gặp khó khăn, vướng mắc ở giai đoạn truy tố do không thể tiến hành được hoạt động tố tụng để quyết định việc truy tố như: Không thể phúc cung, lấy lời khai, tiến hành đối chất, tiến hành các thủ tục để trợ giúp pháp lý, bảo đảm sự tham gia của người bào chữa cho các đối tượng theo luật định; không thể yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp, trưng cầu giám định hoặc yêu cầu định giá tài sản…

Do thiên tai, dịch bệnh, nhiều vụ án, vụ việc phải gia hạn thời hạn giải quyết, tuy nhiên vẫn có khả năng không thể hoàn thành hồ sơ và các thủ tục tố tụng để xem xét, quyết định việc khởi tố, ra kết luận điều tra hoặc quyết định việc truy tố trong thời hạn luật định.

Luật sư Nguyễn Thị Phương Anh – Công ty luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự cho biết: Dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn đến các hoạt động của luật sư như: thời gian kéo dài khi di chuyển từ địa phương này tới địa phương khác để gặp thân chủ, liên tục phải xét nghiệm PCR, chưa kể không thể gặp thân chủ, cơ quan tố tụng ở địa phương đang thực hiện giãn cách, mỗi địa phương lại có quy định khác nhau về phòng chống dịch gây cản trở quá trình tham gia tố tụng của luật sư.

Trước những trở ngại trong quá trình tố tụng khi xảy ra dịch bệnh ảnh hưởng đến quá trình tố tụng, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 15 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, trong đó, đã sửa đổi, bổ sung một số điều khoản trong Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng giải quyết khó khăn, vướng mắc cấp bách từ thực tiễn hiện nay cũng như khả năng sẽ phát sinh trong thời gian tới, trong đó đặc biệt lưu tâm đến yếu tố bất khả kháng khi dịch bệnh xảy ra.

Ông Nguyễn Công Hồng – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng: Việc bổ sung quy định này bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong các trường hợp này, bởi vì khi không thể tiến hành được các hoạt động giải quyết vụ án, vụ việc thì có căn cứ pháp luật để cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tạm đình chỉ và không tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người bị buộc tội, tạo cơ chế tố tụng để các cơ quan tiếp tục theo dõi, quản lý được vụ án, vụ việc tạm đình chỉ theo quy định của pháp luật; đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm; tránh được việc để xảy ra oan, sai; bỏ lọt tội phạm, người phạm tội. Nhưng cũng phải lưu ý về điều kiện xét xử trong tình hình bất khả kháng đối với những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, người dân chưa tiếp cận được nhiều với công nghệ thông tin.

Hiện một số bộ ngành liên quan như: VKSND tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng…. đang dự thảo Thông tư liên tịch quy định chi tiết việc áp dụng căn cứ tạm đình chỉ “Vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh” theo quy định tại Điểm C Khoản 1 Điều 148, Điểm d Khoản 1 Điều 229 và Điểm d Khoản 1 Điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Luật sư Nguyễn Thị Phương Anh – Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự cho rằng: Dự thảo Thông tư liên tịch đưa ra các quy định rõ về mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh cụ thể như thế nào thì cơ quan điều tra được ra quyết định tạm đình chỉ trong trường hợp bất khả kháng. Cùng với đó, việc quy định cụ thể về thời gian tạm đình chỉ, các trường hợp được phép gia hạn thời gian tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh; khôi phục tạm đình chỉ giải quyết khi dịch bệnh được kiểm soát… cần chi tiết, cụ thể trong Thông tư hướng dẫn thi hành để tránh tình trạng lạm dụng yếu tố dịch bệnh để trì hoãn điều tra, xét xử, hoặc tội phạm bỏ trốn hay tẩu tán tài sản.

Mời quý vị nghe toàn bộ nội dung trao đổi vêc vấn đề này tại đây: