Thính giả Thu Vân ở quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội hỏi về trường hợp của gia đình mình: “Tôi cho cặp vợ chồng thuê căn hộ chung cư. Hai tháng nay, họ chỉ trả được một nửa tiền. Hợp đồng thuê nhà cũng hết thời hạn cả tháng nay, tôi yêu cầu dọn đi để cho người khác thuê nhưng họ năn nỉ nói tôi cho thêm một chút thời gian. Tôi nói nếu muốn ở thêm thì phải trả thêm tiền nhà, nếu không trả tiền nhà thì tôi sẽ dọn đồ ra ngoài. Tôi có nhờ ban quản lý chung cư tới lập biên bản về việc dọn đồ nhưng họ nói do chủ tài sản không có đây nên không chịu trách nhiệm. Công an phường thì nói đây là quan hệ dân sự, các bên tự thỏa thuận. Công an không tham gia chứng kiến. Đây là nhà của tôi, người thuê nợ tiền lại không dọn đồ đi, vậy giờ hết hạn hợp đồng tôi có được tự ý dọn đồ của họ ra ngoài không?”. Chúng tôi đã phỏng vấn luật sư Trần Xuân Tiền để có câu trả lời cho thắc mắc này của thính giả:

Phóng viên: Thưa luật sư, bên cho thuê nhà ở có được tự ý dọn đồ đạc của bên thuê ra ngoài khi hết thời hạn hợp đồng không?

Luật sư: Trong các quy định về quyền và nghĩa vụ của bên cho thuê nhà ở tại Điều 10, Điều 11 Luật Nhà ở 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, pháp luật hiện hành không có bất kỳ quy định nào cho phép bên cho thuê nhà ở được tự ý dọn đồ đạc của bên thuê ra ngoài cho dù hợp đồng thuê nhà hết thời hạn hay bên thuê có hành vi vi phạm nghĩa vụ của hợp đồng.

Phóng viên: Nghĩa là nếu chị Thu Vân cố ý dọn đồ đạc của người thuê ra ngoài thì là hành vi vi phạm pháp luật, phải không thưa luật sư?

Luật sư: Vâng, trong trường hợp này hợp đồng giữa hai bên đã chấm dứt, việc chị Thu Vân cố ý dọn đồ của người thuê ra ngoài khi chưa được sự đồng ý của người thuê đã xâm phạm quyền đối với tài sản của người thuê nhà.

Tuy nhiên hành vi này chưa đến mức bị xử lý theo quy định của pháp luật trừ trường hợp làm mất mát, hư hỏng tài sản, bên cho thuê có thể bị bên thuê khởi kiện yêu cầu trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật dân sự hoặc nếu có căn cứ chứng minh chị Thu Vân cố ý hủy hoại tài sản thì tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi thì chị này có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ - CP với mức phạt tiền từ 2 triệu đến 5 triệu hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 Bộ luật hình sự và tùy vào giá trị tài sản bị hư hại mà người vi phạm có thể đối diện với mức phạt thấp nhất là bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, mức phạt cao nhất là phạt tù lên tới 20 năm.

Phóng viên: Trong trường hợp này, chị Thu Vân cần làm gì để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình?

Luật sư: Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, chị Thu Vân có thể làm văn bản thông báo cho bên thuê về việc hợp đồng thuê nhà đã chấm dứt, đồng thời yêu cầu bên thuê trả tiền thuê nhà còn thiếu, phải dọn dẹp đồ đạc ra khỏi nhà thuê, trả lại nguyên hiện trạng. Lưu ý, trong thông báo cần ấn định rõ thời hạn bên thuê phải thực hiện nghĩa vụ này.

Trường hợp bên thuê nhà không thực hiện, chị Vân có thể nộp đơn khởi kiện trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua đường bưu điện đến Tòa án có thẩm quyền, yêu cầu bên thuê nhà phải chấm dứt hành vi xâm phạm (sử dụng bất hợp pháp tài sản thuê khi hợp đồng thuê đã hết hạn) theo quy định tại điểm a, h khoản 1 Điều 10 Luật Nhà ở; khoản 2 Điều 11, Điều 14, Điều 186, 189, 192 Bộ luật Dân sự.

Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự là Tòa cấp huyện nơi người bị kiện đang cư trú theo quy định điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

Phóng viên: Xin cảm ơn luật sư.

Mời quý vị nghe âm thanh tại đây: