Ngày 24/5, Công an Quận Tây Hồ, Hà Nội tạm giữ hình sự đối với Tô Quốc Khanh để điều tra hành vi đánh bạc. Ông Tô Quốc Khanh là phụ trách bộ môn cờ tướng Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT) đồng thời từng là lãnh đội đội tuyển cờ tướng Việt Nam.

Ngoài ông Khanh, Công an quận Tây Hồ cũng đang tạm giữ một số người liên quan để điều tra, xác định tính chất, vai trò từng người sau đó mới có căn cứ để khởi tố.

Vì sao ông Tô Quốc Khanh lại bị tạm giữ hình sự khi liên quan đến đường dây cá độ bóng đá?

Trả lời câu hỏi nhiều người đặt ra, luật sư Nguyễn Hữu Toại, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hừng Đông cho biết: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cơ quan chức năng ra quyết định tạm giữ hình sự trong trường hợp: “Tạm giữ có thể áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã”. Như vậy, Cơ quan chức năng có quyền ra quyết định tạm giữ Tô Quốc Khanh nếu thuộc 1 trong các trường hợp nêu trên.

Khi nào người liên quan đến đường dây cá độ bóng đá bị xử lý hình sự?

Luật sư Nguyễn Hữu Toại cho biết: Tùy mức độ vi phạm, người tham gia cá độ bóng đá có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đánh bạc. Trong trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người cá độ bóng đá phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 321 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 nếu được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ 5 triệu đồng trở lên hoặc được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị dưới 5 triệu nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc; hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Cụ thể như sau:

Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Nếu phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50 triệu đồng trở lên; Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội hoặc tái phạm nguy hiểm sẽ bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.

Cá độ bóng đá bị xử phạt vi phạm hành chính khi nào?

Người đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá dưới 5.000.000 đồng thì bị xử phạt hành chính theo khoản 2 Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình. (trước đó họ cũng chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc; hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, chưa được xóa án tích).

Cá độ bóng đá là hành vi “Cá cược trái phép trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí hoặc các hoạt động khác” quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Theo Nghị định này, người cá độ bóng đá có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng; và có thể bị xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; và phải khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Công chức, viên chức vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý như thế nào?

Luật sư Toại cho biết: Nếu cơ quan chức năng kết luận ông Tô Quốc Khanh phạm tội, ngoài việc bị xử lý theo quy định của nhà nước về tội đánh bạc, ông này còn bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật do hiện đang là viên chức tại Tổng cục Thể dục thể thao.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 52, Luật Viên chức 2010, khi viên chức vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau: Khiển trách; Cảnh cáo; Cách chức; Buộc thôi việc.

Theo khoản 5, điều 16, Nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ công chức, viên chức, áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với viên chức “Vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tội phạm; phòng, chống tệ nạn xã hội; trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;”. Khoản 1, Điều 17 Nghị định này cũng quy định: Áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với viên chức đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách về hành vi vi phạm quy định tại Điều 16 Nghị định này mà tái phạm.

Như vậy, nếu phạm tội, ông Khanh sẽ bị xử lý kỷ luật là khiển trách hoặc có thể bị cảnh cáo, cách chức và buộc thôi việc.

Điều 57 Luật Viên chức 2010 quy định đối với viên chức bị truy cứu trách nhiệm hình sự cũng nói rõ: Viên chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng thì bị buộc thôi việc, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Viên chức quản lý bị Tòa án tuyên phạm tội thì đương nhiên thôi giữ chức vụ quản lý, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Đối với trường hợp viên chức bị Tòa án kết án phạt tù sẽ bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Còn trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự dưới các hình thức : Phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo thì vẫn được tiếp tục được làm việc tại đơn vị. Trường hợp là viên chức quản lý bị Tòa tuyên phạm tội thì đương nhiên thôi giữ chức vụ quản lý./.