Giữa năm 2019, do có nhu cầu giao dịch chuyển tiền, thanh toán, anh T.H.N ở phố Thái Hà, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội tới phòng giao dịch của Ngân hàng Quân đội (MB Bank) chi nhánh Tây Hà Nội mở một tài khoản thanh toán và đăng ký phát hành một thẻ ATM, sử dụng dịch vụ mobile banking qua ứng dụng MBBank của ngân hàng này và đưa cho vợ mình sử dụng. Tuy nhiên, cuối năm 2020, vợ anh N. bất ngờ phát hiện chồng mình có thêm một tài khoản thanh toán. Ra phòng giao dịch của MB Bank chi nhánh Tây Hà Nội kiểm tra thì anh N. được biết, tài khoản mới này được coi là tài khoản số đẹp, do số tài khoản có chứa có năm sinh của anh và được một chi nhánh khác của MB Bank tặng cho anh.

Không chỉ dừng lại ở chỗ "tự dưng" có thêm tài khoản thanh toán, tới đầu tháng 4/2021, số điện thoại anh N. dùng đăng ký mở tài khoản nhận được cuộc gọi của một phụ nữ xưng là người của bưu điện và được MB Bank nhờ giao thẻ tín dụng cho anh N. Bất ngờ trước thông tin mình có thẻ tín dụng, anh N. kiểm tra trên app MB Bank thì phát hiện, ngoài thẻ ATM anh đang sử dụng, anh còn có thêm hai thẻ tín dụng, một thẻ VISA đã được kích hoạt, một thẻ JCB chưa được kích hoạt. Gọi điện tới Tổng đài chăm sóc khách hàng của MB Bank qua đầu số 190054526, vợ anh N. được biết, lý do "tự dưng" chồng mình có thêm 2 thẻ tín dụng là vì MB Bank đang có chương trình tặng thẻ tín dụng cho khách hàng. Trả lời cho câu hỏi, thẻ tín dụng đã được kích hoạt nhưng anh N. chưa hề đồng ý mở thẻ và cũng chưa cầm thẻ trong tay, nhân viên chăm sóc khách hàng của MB Bank "trấn an" rằng: thẻ có hạn mức giao dịch bằng 0 nên anh chị yên tâm, người cầm thẻ của anh có muốn quẹt thẻ cũng không được. Nếu anh N. không thích, nhân viên này sẽ khóa thẻ cho anh.

(Trả lời của nhân viên chăm sóc khách hàng của MB Bank về việc khách hàng "tự dưng" có thêm thẻ tín dụng)

Luật sư Lê Văn Hà, Công ty Luật Pathlaw cho biết, việc phát hành, mở thẻ tín dụng giữa ngân hàng và khách hàng là một giao dịch dân sự. Thẻ tín dụng (chi tiêu trước, trả tiền sau) về bản chất là hợp đồng vay tài sản giữa người mở thẻ và ngân hàng phát hành thẻ. Khoản 1, điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định: Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây: Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Luật sư Lê Văn Hà phân tích, việc ngân hàng tự ý mở tài khoản, mở thẻ tín dụng khi chưa được sự đồng ý của khách hàng là đã vi phạm quy định về sự tự nguyện khi tham gia giao dịch dân sự của khách hàng. Do đó, giao dịch này là giao dịch vô hiệu. Đó là chưa kể việc tự ý mở tài khoản, mở thẻ tín dụng là sử dụng thông tin cá nhân của khách hàng khi chưa được khách hàng cho phép. Các khách hàng như anh T.H.N cần một câu trả lời thỏa đáng, đúng quy định pháp luật từ phía Ngân hàng Quân đội (MBBank).

(Trao đổi của luật sư Lê Văn Hà về điều kiện của giao dịch dân sự)