Theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế, khoảng 150 triệu trẻ em trên thế giới tham gia lao động ở mọi lĩnh vực, ngành nghề. Đặc biệt, khi các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển mạnh, việc thu hút trẻ lao động là rất lớn. Thế nhưng, đây lại là một trong ba lĩnh vực nguy hiểm nhất mà các em phải đối mặt với các hiểm họa như: điều khiển máy móc nguy hiểm, tiếp xúc với thuốc trừ sâu và mang vác nặng…
Điều tra quốc gia về lao động trẻ em, Việt Nam hiện có 1,031 triệu trẻ em tham gia lao động trẻ em, trong đó có một nửa các em đã bỏ học hoặc chưa từng tới trường. Có hơn 50% trẻ em tham gia lao động phải làm việc trong những điều kiện nặng nhọc, độc hại với thời gian khá dài (hơn 40 tiếng/ 1 tuần).
Kết quả Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam do Tổng cục Thống kê và UNICEF cùng thực hiện cũng cho thấy, 6,6% số trẻ em 5-17 tuổi tham gia vào công việc gia đình và các hoạt động kinh tế khác.
Tiến sỹ Vũ Thị Kim Hoa, nguyên phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Ủy viên Thường vụ Thường trực Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, thực tế, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trẻ em lao động trái quy định của pháp luật. Việc trẻ em phải tham gia lao động sớm dù nguyên nhân là gì cũng đều có những nguy cơ rủi ro về thể chất, ảnh hưởng học tập, phát triển trí tuệ của các em và chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai. Do đó, phòng ngừa để giảm thiểu lao động sớm ở trẻ em là vấn đề được các cấp, các ngành, các địa phương cũng như các tổ chức đặc biệt quan tâm.
Thời gian qua, Việt Nam là một trong những nước tích cực tham gia, phê chuẩn các điều ước quốc tế và ban hành nhiều văn bản luật pháp, chính sách nhằm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em. Trong đó có thể kể đến Công ước số 138 của ILO về tuổi tối thiểu làm việc, Công ước số 29 về lao động cưỡng bức và cam kết thực hiện Tuyên bố về một thế giới phù hợp với trẻ em. Điều đó thể hiện công tác bảo vệ trẻ em nói chung và giảm thiểu lao động trẻ em nói riêng luôn được quan tâm.
Trong những năm qua, đã có nhiều chương trình hành động liên quan đến bảo vệ quyền trẻ em, trong đó có việc ngăn ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; kiểm tra, giám sát, thanh tra về lao động trẻ em. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng trẻ em lao động trái pháp luật, nhất là việc sử dụng lao động trẻ em ở các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ khu vực phi chính thức... Trước thực trạng này, nhiều tổ chức quốc tế đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực.
Bà Phan Thị Kim Liên, Quản lý chương trình Bảo vệ trẻ em- Tổ chức World Vision International tại Việt Nam cho biết, World Vision International tại Việt Nam đã và đang hỗ trợ nâng cao năng lực cho gần 5.000 cán bộ thuộc Ban bảo vệ trẻ em, mạng lưới cộng tác viên tại 25 huyện dự án giúp họ thực hiện công tác sàng lọc, phát hiện và hỗ trợ lao động trẻ em, trẻ em có nguy cơ bỏ học đi lao động cũng như trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác. World Vision cũng đã hỗ trợ chính quyền địa phương tổ chức nhiều hoạt động nâng cao nhận thức cho người dân và trẻ em. Bên cạnh đó, World Vision cũng thực hiện nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế bền vững cho các hộ gia đình, đặc biệt ưu tiên các gia đình có trẻ em lao động và trẻ em có nguy cơ lao động.
Tháng 4 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức phát động cuộc thi “Sáng kiến đảm bảo trật tự trường học về phòng ngừa bạo lực học đường và lao động trẻ em” lần thứ nhất. Cuộc thi nhằm tạo không gian sáng tạo, cởi mở, nơi học sinh có thể tự do bày tỏ quan điểm, thể hiện tài năng của bản thân về các vấn đề xã hội. Đồng thời nâng cao nhận thức và trách nhiệm của từng cá nhân trong xã hội đối với việc giữ gìn, bảo vệ trẻ em lớn lên khỏe mạnh, hạnh phúc, góp phần phòng chống bạo lực học đường và phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trái quy định của pháp luật.
“Chúng em biết rằng, bạo lực học đường và lao động trẻ em là 2 vấn đề diễn ra trong xã hội, không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển, tương lai của thế hệ trẻ chúng em mà còn gây ra những tác động xấu, lâu dài đối với gia đình, cộng đồng. Cuộc thi này là cơ hội để chúng em được bày tỏ cảm xúc, nhận định của bản thân trước hành vi bạo lực học đường, về những tác hại của lao động trẻ em và đề xuất sáng kiến, cách thức tự bảo vệ bản thân trước các hành vi bóc lột lao động trẻ em, góp phần xây dựng trường học an toàn, thân thiện, xã hội nhân ái, văn minh”, em Bùi Thu Trang, học sinh trường THCS Nguyễn Công Trứ, Hà Nội chia sẻ.
Ở TP.HCM, Hội trại “Chắp cánh ước mơ” do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM phối hợp Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP và Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế tổ chức mà điểm nhấn là Diễn đàn Lắng nghe tiếng nói trẻ em với chủ đề “Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em – Góc nhìn của trẻ em”. Các thiếu nhi đã thảo luận những vấn đề mình quan tâm liên quan đến các công việc trẻ em thường làm, thời gian lao động cũng như vai trò của chính bản thân mình trong việc phòng ngừa, giảm thiểm lao động trẻ em…
Bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng Phòng bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới thuộc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, thời gian qua đã có nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng lao động trẻ em, như: tổ chức đưa những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vào nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội, mái ấm, nhà mở. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng nhiều phụ huynh lợi dụng lòng tốt của mọi người, bắt con em phải lao động từ sớm để kiếm tiền.
Có thể thấy, những nỗ lực của các địa phương trong việc chung tay phòng ngừa lao động trẻ em là không thể phủ nhận. Việc hỗ trợ trẻ ở cộng đồng được xác định là một trong những biện pháp hiệu quả nhằm giảm thiểu lao động trẻ em. Cùng với sự chủ động của các cấp, ngành, địa phương, việc huy động nguồn lực của các bên liên quan trong đó có các tổ chức quốc tế như ILO, UNICEF, World có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em
Bà Lưu Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tình Quảng Nam khẳng định, các quy định pháp luật của Việt Nam rất đầy đủ, tuy nhiên, nguồn lực để thực hiện các chương trình, hoạt động giảm thiểu lao động trẻ em ở địa phương chưa nhiều nên việc tiếp cận kinh phí của các nhà tài trợ như các tổ chức quốc tế là điều cần thiết. Đặc biệt là sự hỗ trợ về công cụ truyền thông như phóng sự ngắn, tờ rơi… để tuyên truyền hay việc đào tạo đội ngũ giảng viên, cộng tác viên… giúp cán bộ làm công tác trẻ em có được kiến thức, kỹ năng vững vàng để truyền thông và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền và phù hợp với các nhóm đối tượng, đặc biệt là đối tượng là trẻ em.
Để giảm thiểu tình trạng lao động trẻ em, Chính phủ Việt Nam đã và đang đang tập trung vào một số giải pháp cơ bản, bao gồm: Thực hiện phổ cập giáo dục phổ thông, chính sách xóa mù chữ và các chính sách bảo đảm công bằng về tiếp cận giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật, trẻ em trong các hộ gia đình nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác; Tăng cường các chính sách an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo ở Việt Nam trong đó trẻ em là đối tượng ưu tiên; Đẩy mạnh các chương trình, dự án của Chính phủ và hợp tác với các đối tác quốc tế như Tổ chức lao động quốc tế, Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc và các đối tác khác về cải thiện điều kiện, môi trường lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức; tạo nguồn sinh kế cho các gia đình; hỗ trợ trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em tiếp cận dịch vụ giáo dục nghề nghiệp và giới thiệu việc làm phù hợp; Đổi mới truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em của chính quyền các cấp, trường học, các tổ chức xã hội, người sử dụng lao động, nhất là cha mẹ và trẻ em; Tập trung giảm thiểu các tác động tiêu cực làm gián đoạn việc học tập và gia tăng nguy cơ lao động trẻ em của trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, bãi ngang và hải đảo.
Có thể nói, trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm theo quy định của pháp luật. Vậy nên, việc giảm thiểu lao động sớm, ngăn ngừa việc bóc lột sức lao động trẻ em cần có sự kết hợp hiệu quả giữa các cấp chính quyền, sự hỗ trợ của các tổ chức, gia đình và xã hội.
Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 với Tiến sỹ Vũ Thị Kim Hoa, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Ủy viên Thường vụ Thường trực Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: