Theo thống kê của cơ quan chức năng, tính đến đầu năm 2024, có 78,44 triệu người sử dụng internet (tỷ lệ tiếp cận internet đạt 79,1% tổng dân số); 72,70 triệu người sử dụng MXH (chiếm 73,3% tổng dân số); 168,5 triệu kết nối di động (chiếm 169,8% tổng dân số) và thời gian trung bình người Việt dùng internet trên điện thoại di động là 3 giờ 30 phút mỗi ngày, trong đó chủ yếu là các nền tảng như Facebook, Youtube, TikTok, Zalo... Những nền tảng này đang là môi trường phát tán tin giả, thông tin xấu, độc phổ biến nhất.

Từ năm 2019 đến nay, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phối hợp các đơn vị chức năng trong và ngoài ngành triệt phá, xử lý hơn 2.000 vụ đăng tải, phát tán thông tin xấu độc, tin giả, sai sự thật gây hoang mang dư luận, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tin giả đã và đang tác động rất nhiều đến kinh tế xã hội của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tin giả trên mạng xã hội nhưng tác động là thật khiến cho mọi người hoang mang và ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều lĩnh vực trong cuộc sống.

Luật sư Nguyễn Hữu Toại - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hừng Đông cho biết: Theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022), quy định “phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Đối với các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân,… thì tùy vào hành vi khách quan, khách thể, chủ thể của hành vi phạm tội cũng như hậu quả do hành vi đó gây ra mà Bộ luật Hình sự 2015 điều chỉnh, quy định trong nhiều điều luật với các tội phạm cụ thể như: Tội vu khống (Điều 156); Tội làm nhục người khác (Điều 155); Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác (Điều 159); Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân (Điều 331); Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước (Điều 337); Tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước; tội làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước (Điều 338); Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác (Điều 361); Tội vô ý làm lộ bí mật công tác; tội làm mất tài liệu bí mật công tác (Điều 362)…

Khi có hành vi cụ thể xảy ra, dựa trên tính chất, mức độ và hậu quả, tác hại do hành vi đó gây ra, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự 2015, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, Nghị định số 14/2022/NĐ-CP để đánh giá và có hình thức xử lý phù hợp.

Luật sư Nguyễn Hữu Toại cũng cho biết: Nếu vi phạm nghiêm trọng, cá nhân, tổ chức có thể bị xử lý hình sự theo các tội: Tội làm nhục người khác sẽ bị phạt tù ba tháng đến hai năm. Người vi phạm có thể chịu hình thức xử phạt bổ sung là nộp 10-30 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề 1-5 năm.

Nếu bị tuyên tội vu khống, người vi phạm sẽ bị phạt tù 1-3 năm cùng hình thử xử phạt bổ sung gồm: 10-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề 1-5 năm.

Với tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, người vi phạm phải chịu phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến ba năm.

Trường hợp phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội bị phạt từ từ hai năm.

Nếu làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, người vi phạm có thể bị phạt về tội làm, lưu trữ, phân phối hoặc phổ biến thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam theo Điều 117 Bộ luật hình sự sẽ bị phạt tù 5-12 năm./.

Mời quý vị và các bạn nghe trao đổi của phóng viên chương trình với luật sư Nguyễn Hữu Toại - Công ty Luật TNHH Hừng Đông tại đây: