Trong những năm gần đây, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được các cơ quan chức năng và người tiêu dùng rất chú trọng. Người chăn nuôi cũng ngày càng có ý thức tốt hơn về việc chăn nuôi an toàn sinh học nhằm đảm bảo yêu cầu vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, thịt một số loại gia súc, gia cầm có chứa các chất tăng trưởng, tồn dư kháng sinh vượt quá quy định… vẫn còn khá phổ biến. Việc tuân thủ theo các quy định, để sản phẩm tạo ra được an toàn còn nhiều vấn đề bất cập và liên quan đến nhiều đối tượng như người chăn nuôi, cơ sở giết mổ, người vận chuyển và tiểu thương buôn bán thịt.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, hiện nay, ở Việt Nam có 4 loại thức ăn chính là TACN đậm đặc, TACN hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn bổ sung và TACN truyền thống. Để đánh giá chất lượng TACN, ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, người chăn nuôi cần tham khảo những quy định của Nhà nước về chất lượng TACN như Luật Chăn nuôi, Nghị định 13/2020/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi, Nghị định 14/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi, Thông tư 21/2019/TT-BNNPTNT hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về thức ăn chăn nuôi; nên mua TACN của các cơ sở, các hãng sản xuất có uy tín, đủ điều kiện theo quy định pháp luật; đọc và xem kỹ nhãn mác của các loại TACN định mua; nên có giao kèo, cam kết với người bán TACN để họ chịu trách nhiệm về TACN; thường xuyên quan sát vật nuôi khi sử dụng TACN, nhất là với TACN mới.

Ông Nguyễn Xuân Dương cũng cho biết do lo ngại việc sử dụng kháng sinh trong TACN làm gia tăng sự hiện diện của các vi khuẩn kháng kháng sinh trong gia súc, gia cầm và sản phẩm động vật, năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có quy định cấm sử dụng kháng sinh với mục đích kích thích vật nuôi tăng trọng và tiến đến loại bỏ kháng sinh để phòng bệnh ở vật nuôi vào năm 2025.

Trong tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng. Giá gia súc, gia cầm thương phẩm xuất chuồng đều giảm, trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại tăng cao. Người chăn nuôi gia súc, gia cầm như tôi đang lâm vào cảnh thua lỗ, vì giá xuất chuồng thấp hơn giá thành sản xuất. Ông Nguyễn Xuân Dương lý giải về việc TACN liên tục tăng giá: "TACN chiếm 60%-65% cơ cấu giá thành sản phẩm chăn nuôi. Nhưng từ tháng 10/2020 đến nay, giá thành nguyên liệu TACN đều tăng cao và giữ lâu, trung bình 30%-50%, ảnh hưởng giá thành thức ăn thương mại (tăng 30%-35%) trong khi đó, giá đầu ra sản phẩm chăn nuôi lại giảm, bán dưới giá thành. Lý do TACN tăng vì nguyên liệu sản xuất TACN ở nước ta hiện đang nhập khẩu khoảng 60%-70%, mà giá nguyên liệu TACN thế giới tăng cao trong 2 năm qua. Thứ 2 là Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến giá thành vận chuyển tăng cao. Chính vì thế, giá TACN trong nước tăng."

Tuy nhiên ông Nguyễn Xuân Dương cũng cho rằng, trong khi giá nguyên liệu tăng 30%-50% thì giá TACN mới tăng khoảng 30%-35%, nghĩa là các doanh nghiệp kinh doanh TACN đang giảm lãi để chia sẻ với người chăn nuôi. Nhưng người chăn nuôi vẫn phải chịu khó khăn, thiệt hại rất lớn. Và để bình ổn giá TACN là vấn đề lớn, cần sự tham gia của các bộ ngành, doanh nghiệp sản xuất TACN và người chăn nuôi.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam tư vấn cho thính giả về các quy định quản lý thức ăn chăn nuôi để đảm bảo giá thành và an toàn thực phẩm cho sản phẩm chăn nuôi: