Trong xã hội hiện đại ngày nay, phụ nữ đóng vai trò quan trọng từ những việc trọng đại của xã hội đến việc chăm lo gia đình. Thế nhưng không ít chị em bị thiệt thòi vì không có tiếng nói trong chính mái ấm của mình. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thiệt thòi này là do chị em thiếu hiểu biết pháp luật.

Luật sư Nguyễn Hữu Toại - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hừng Đông cho biết:

Khoản 1 Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình là “Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng”, Điều 17 luật hôn nhân và gia đình quy định Bình đẳng về quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng “Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật này và các luật khác có liên quan”.

Khoản 1, Điều 19 quy định “Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình”.

Quyền được thương yêu, chung thủy của người vợ được thể hiện ở mặt vật chất và tinh thần. Về phương diện vật chất, vợ chồng có nghĩa vụ hợp tác trong việc bảo đảm đáp ứng các yêu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình, của mỗi cá nhân. Về phương diện tình cảm, vợ chồng phải dành cho nhau sự thương yêu, chung thủy, đùm bọc lẫn nhau trong đời sống hàng ngày, đặc biệt là khi đau ốm, gặp khó khăn.

Quyền được chăm sóc, quý trọng, giúp đỡ được thể hiện ở hành vi, cách cư xử và thái độ của người chồng. Đó là sự yêu mến, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của người vợ; giữ gìn danh dự, uy tín, nhân phẩm; quan tâm, động viên lẫn nhau và tạo điều kiện để người vợ có khả năng phát huy những điểm mạnh của bản thân.

Tại Khoản 2 Điều 19 quy định: "Nghĩa vụ sống chung" là nghĩa vụ trong quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng, phát sinh trên cơ sở hôn nhân hợp pháp. Theo đó, vợ và chồng có quyền và nghĩa vụ tạo lập một cuộc sống chung, một nơi ở chung để xây dựng, bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình hạnh phúc, vững mạnh, tiến bộ. Đây là quy định mới của Luật HN&GĐ năm 2014 nhằm xây dựng một gia đình hạnh phúc theo đúng nghĩa.

Thế nhưng khi "cơm không lành, canh không ngọt" nhiều em chị không dám đơn phương ly hôn. Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn. Theo đó, quyền của người vợ trong việc yêu cầu ly hôn được thể hiện ở những nội dung sau:

Thứ nhất, người vợ có quyền được yêu cầu ly hôn trong cả hai trường hợp: Thuận tình ly hôn theo quy định tại Điều 55 của Luật này và ly hôn do một bên vợ yêu cầu tại Điều 56 của Luật.

Thứ hai, quy định về trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác trong gia đình có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Đây là quy định mới của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và có ý nghĩa thiết thực trong bảo vệ quyền của người phụ nữ, trong trường hợp khi người vợ là nạn nhân của bạo lực gia đình do người chồng gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe và tinh thần cho người vợ thì cha mẹ, người thân thích của người vợ có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

Thứ ba, quy định về hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng. Trong trường hợp người vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì người chồng không được yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Mục đích của quy định này là gắn trách nhiệm của người chồng trong việc tạo điều kiện cho người vợ thực hiện chức năng làm mẹ. Tuy nhiên, khi quan hệ vợ chồng đã trở nên phức tạp và chỉ làm cho người vợ thêm đau khổ thì người vợ có yêu cầu xin ly hôn thì Tòa án vẫn thụ lý đơn yêu cầu xin ly hôn của người vợ và giải quyết ly hôn theo quy định chung.

Khi ly hôn thông thường hai bên sẽ giải quyết 3 vấn đề: tình cảm, con cái, tài sản. việc phân chia tài sản và giành quyền nuôi con là 2 vấn đề luôn nóng trong các vụ án về ly hôn. Theo quy định tại Điều 59 Luật HN và GĐ 2014 Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn

Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng…

Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng…

Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây: Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập; Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng…..

Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con….

Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

- Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

- Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

- Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

- Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật HN và GĐ; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.

- Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Nếu 1 bên cố tình không đồng ý cho bên còn lại thăm, chăm sóc con thì người bị ngăn cản có thể báo cho chính quyền địa phương, cơ quan công an, hội Liên hiệp phụ nữ, cơ quan quản lý Nhà nước về trẻ em để các cơ quan này can thiệp buộc bên ngăn cản không được cản trở việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục con, bởi hành vi ngăn cản là hành vi trái pháp luật. Ngoài ra người bị ngăn cản có thể khởi kiện thay đổi quyền nuôi con.

Mời quý vị và các bạn nghe nội dung trao đổi của phóng viên chương trình với luật sư Nguyễn Hữu Toại tại đây: