Ông Trần Hải Nam – Phó Vụ trưởng vụ BHXH – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: Bộ Lao động Thương binh và Xã hội được Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu để xây dựng Dự án Luật BHXH sửa đổi dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6, tháng 10-2023; thông qua vào kỳ họp thứ 7, tháng 5-2024 và có hiệu lực từ ngày 1-1-2025. Luật BHXH lần này sẽ có nhiều nội dung cần phải sửa đổi, tuy nhiên, một trong những nội dung quan trọng trong việc sửa lần này là sẽ giảm thời gian tham gia đóng BHXH. "Chính sách hiện hành đang thiết kế là thời gian đóng tối thiểu là 20 năm được hưởng lương hưu, lộ trình sẽ là 15 năm, hướng tới 10 năm".
Cùng với điều chỉnh giảm mức đóng, Bộ LĐ-TB-XH cho biết sẽ sửa các quy định về cách tính lương hưu, thiết kế lại mức hưởng và tỉ lệ hưởng để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm, giúp họ có được khoản tiền lúc về già. "Tất nhiên trong chính sách chúng ta không khuyến khích đóng ngắn, đây là phương án để mở ra điều kiện, cơ hội cho nhiều NLĐ ở lại với hệ thống BHXH nhằm giúp họ có tiền khi về già. Đối với những NLĐ có thu nhập ổn định thì khuyến khích tham gia lâu để có mức lương bảo đảm cuộc sống tốt hơn..." - ông Nam cho biết.
Hệ thống BHXH sẽ được xây dựng đa tầng, linh hoạt. Trong đó, dự luật bổ sung quy định trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng gồm: tầng trợ cấp hưu trí xã hội (đang được quy định ở Luật Người cao tuổi), BHXH cơ bản (bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện), bảo hiểm hưu trí bổ sung. Với tầng hưu trí xã hội, dự luật sẽ sửa theo hướng NLĐ đã tham gia BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng, không nhận BHXH một lần sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sớm hơn và mức trợ cấp hằng tháng cao hơn. Mục đích nhằm tạo sự liên kết, hỗ trợ giữa các tầng, đặc biệt giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội với BHXH cơ bản.
Liên quan đến việc rút BHXH 1 lần và đề xuất giải pháp nhằm hạn chế tình trạng này là giảm tuổi nghỉ hưu, lãnh đạo Vụ Bảo hiểm xã hội - Bộ LĐ-TB-XH cho biết: Tuổi nghỉ hưu được quy định trong Bộ Luật Lao động và vừa mới được Quốc hội thông qua. Trong đó, điều chỉnh tăng tuổi hưu có lộ trình đối với nam lên 62, nữ 60 để phù hợp với tốc độ già hóa dân số. Còn việc nghỉ hưu cũng đã có quy định đối với từng ngành nghề và khu vực. Chẳng hạn nghề nặng nhọc độc hại hoặc vùng kinh tế khó khăn sẽ được quyền tiếp cận tuổi nghỉ hưu sớm hơn quy định.
Đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng khẳng định: Việc rút BHXH một lần là quyền lợi của người lao động và không hạn chế việc này. "Trong Nghị quyết 28 của Chính phủ đã nêu, vẫn thực hiện chính sách BHXH một lần chứ không hạn chế các đối tượng hưởng vì đây là quyền lợi của người lao động, họ tham gia thì họ có quyền thụ hưởng nên không có giới hạn nào cho việc tiếp cận quyền lợi này". Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo sẽ đưa vào Luật BHXH các chính sách để khuyến khích, tạo điều kiện cho NLĐ tham gia đóng góp BHXH để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH 1 lần./.