Trong quá trình triển khai Luật đấu thầu đã phát sinh nhiều trường hợp cần lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư nhưng chưa được Luật quy định..... Bên cạnh đó, vi phạm trong quá trình đầu thấu mà điển hình là vụ nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 xảy ra tại Công ty Việt Á, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC Hải Dương và các đơn vị, địa phương khác khiến dư luận bức xúc. Cần sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu như nào để bảo đảm hoạt động đấu thầu diễn ra công khai, minh bạch. Phóng viên Đài TNVN đã trao đổi với chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh về vấn đề này:

PV: Thưa tiến sĩ Vũ Đình Anh, qua sự việc sai phạm trong hoạt động đấu thầu của công ty Việt Á rồi, ông nhìn nhận như thế nào về việc tổ chức đấu thầu và trúng thầu hiện nay?

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh: Trường hợp của Công ty Việt Á là một trong những trường hợp điển hình về bất cập trong hoạt động đấu thầu. Có thể nói đây là một sai phạm, can thiệp khá thô bạo vào quá trình đấu thầu, gây ra nhiều thiệt hại cho bên tổ chức đấu thầu, tạo ra những lợi ích bất hợp pháp đối với những bên thực hiện thầu và trúng thầu. Trường hợp của công ty Việt Á lần này, ngoài việc ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của Nhà nước còn gây ra những tiêu cực về mặt xã hội và ảnh hưởng đến niềm tin về xã hội.

PV: Quy trình đấu thầu rút gọn để mua bộ xét nghiệm COVID-19 trong bối cảnh dịch bệnh, khẩn cấp nếu làm đúng quy định thì không có gì đáng nói, thế nhưng việc Công ty Việt Á "lại quả" cho lãnh đạo CDC Hải Dương 30 tỉ đồng để được cung cấp bộ xét nghiệm COVID-19 là tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực?

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh: Chính xác là như vậy, trong bối cảnh dịch bệnh, chúng ta không thể thực hiện đấu thầu theo đúng như quy định bình thường mà phải thực hiện theo quy trình rút gọn để đáp ứng được yêu cầu của thực tế phòng chống dịch. Thông thường, khi đấu thầu, ai bỏ giá thầu thấp nhất sẽ trúng thầu. Tuy nhiên, trong trường hợp Việt Á, lại kê khống giá với chi phí rất bất hợp lý, đồng thời bỏ qua việc xem xét quy trình chất lượng hàng hóa sản xuất, cũng như là khả năng đảm bảo cung ứng hàng hóa đó của bên trúng thầu. Với việc Việt Á thu lợi nhuận trên 500 tỷ đồng và chi hơn 800 tỷ đồng "hoa hồng" cho các "đối tác" thì đây rõ ràng là tham nhũng, là hối lộ.

PV: Luật đấu thầu tạo điều kiện thông thoáng cho mua sắm thiết bị y tế trong bối cảnh dịch bệnh, việc lãnh đạo các CDC, bệnh viện, quan chức địa phương, bộ, ngành được nhận tiền lót tay khi tổ chức đấu thầu cũng bị nghiêm cấm, tuy nhiên vẫn xảy ra tình trạng vi phạm như vậy. Vậy ông có cho rằng cần phải sớm điều chỉnh một số quy định trong Luật đấu thầu?

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh: Luật đấu thầu của chúng ta đã triển khai thực hiện được 8 năm kể từ khi ban hành. Thực tế thì chúng ta cũng đạt được nhiều kết quả tích cực, có một cơ quan quản lý Nhà nước về đấu thầu và hoạt động đấu thầu được thực hiện rộng rãi ở các bộ ngành, địa phương đặc biệt là liên quan đến các dự án đầu tư công và mua sắm công. Tuy nhiên một số điểm liên quan đến thanh tra, kiểm tra cũng như là trách nhiệm của bên mời thầu hay các bên có liên quan (chúng ta hay thường gọi là quân xanh, quân đỏ trong đấu thầu), thì rõ ràng yêu cầu đặt ra là cần phải có bổ sung hoàn thiện Luật đấu thầu. Trong quá trình triển khai thực hiện Luật đấu thầu cũng đã xảy ra nhiều sai phạm, nếu chúng ta không hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thì những sai phạm đó sẽ còn tiếp diễn. Bên cạnh đó, chúng ta đang tham gia vào rất nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có một điểm rất quan trọng đó là mua sắm công và sự tham gia của các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài vào quá trình đấu thầu, đòi hỏi đấu thầu công khai, minh bạch theo thông lệ quốc tế. Vì vậy việc sửa đổi hoàn chính Luật Đấu thầu là điều rất cần thiết.

PV: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) khi xây dựng dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã đề xuất "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu"; mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu theo hướng bổ sung hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư kinh doanh; Sửa đổi, bổ sung các quy định về thời gian lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo hướng cắt giảm thời gian thực hiện một số khâu, đồng thời bảo đảm tương thích với các tính năng của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (như: Bỏ thủ tục thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu; điều chỉnh các mốc thời gian cho phù hợp đối với một số công việc do được thực hiện trực tiếp trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia)…. Ông có nghĩ rằng những điểm điều chỉnh này có thể đảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu?

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh: Đảm bảo hay không thì ngoài quy định pháp lý chúng ta còn phải tổ chức thực hiện như nào? Theo tôi, cần phải rút gọn các quy tắc, thủ tục hành chính, tránh rườm rà phức tạp. Thoạt nhìn thì rất chặt chẽ nhưng càng rườm rà thì càng tạo ra kẽ hở vi phạm trong cả bên đấu thầu và bên mời thầu. Tôi hoàn toàn tán thành với đề xuất của Bộ KH&ĐT là chúng ta phải đảm bảo tính cạnh tranh một cách lành mạnh, với sự tham gia một cách công bằng, bình đẳng của các bên tham gia đấu thầu và tránh có sự can thiệp bên ngoài. Lần này Bộ KH&ĐT cũng nên đưa nội dung về trách nhiệm quản lý của nhà nước đối với những sai phạm trong đấu thầu.Theo lời khai ban đầu của Phan Quốc Việt (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á), đã "bắt tay" với các đối tác nâng khống giá kit xét nghiệm lên khoảng 45%, số tiền Việt Á thu về trong vụ này là trên 500 tỷ đồng; số tiền "hoa hồng" mà Việt Á chi cho các "đối tác" là gần 800 tỷ đồng.

Trước đó cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về đấu thầu, nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 xảy ra tại Công ty Việt Á, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan. Để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Tổng giám đốc và các đối tượng thuộc Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá, xác định giá bán là 470.000 đồng/kít; thỏa thuận và chi tiền % hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố. Trong đó, Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương được chi số tiền % ngoài hợp đồng gần 30 tỷ đồng.

Mời quý vị nghe toàn bộ nội dung trao đổi của chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh tại đây: