Ô tô cá nhân hiện nay đều được trang bị công nghệ và tiện ích nhằm bảo vệ an toàn, giúp người sử dụng có cảm giác thoải mái nhất. Tuy nhiên, dây đai an toàn trên xe ô tô chỉ phù hợp cho người lớn và không phù hợp với trẻ em. Trong một nghiên cứu của trường Đại học Y tế Công cộng có thống kê cho thấy, qua quan sát 15 nghìn phương tiện ô tô ở nhiều địa điểm khác nhau, chỉ có 1,3% xe có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em, trong đó, hầu hết là do đã có thói quen khi sử dụng ở nước ngoài hoặc học tập theo nước ngoài trong khi có gần 23% xe có trẻ em ngồi ghế trước một mình và 20% xe có trẻ ngồi ghế phụ phía trước chung với người lớn.
Ở nước ta, không khó để bắt gặp hình ảnh trẻ ngồi ghế trước một mình hoặc được người lớn bồng bế hoặc đặt ngồi trong lòng trên ô tô thay vì sử dụng các thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô đúng quy cách. Thậm chí. không ít trường hợp, trẻ em đứng, ngồi tự do trong xe mà không có bất kỳ một thiết bị nào để đảm bảo an toàn. Nhiều trường hợp, bố mẹ còn cho con nhỏ ngồi cùng ghế lái.
Thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy, có hơn 600 bệnh nhi bị tai nạn giao thông nhập viên trong giai đoạn từ đầu năm 2023 đến tháng 7/2024. Tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông ở trẻ em khi nhập viện cũng lên tới 0,2%. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tân Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu và chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương phân tích, ngoài nguyên nhân do lứa tuổi phát triển nhân cách, tuổi dậy thì, có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, thì sự chủ quan, lơ là của cha mẹ, người giám hộ khi không trang bị các thiết bị an toàn cho trẻ trên xe ô tô khi tham gia giao thông cũng là nguyên nhân dẫn tới tai nạn giao thông gia tăng ở trẻ em.
Số liệu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, đến cuối năm 2023 ở nước ta hiện có khoảng 6,5 triệu xe ô tô. Mức sở hữu xe bình quân đầu người là 63 xe /1.000 dân. Nhiều cuộc thử nghiệm va chạm trên ô tô đã cho thấy tỉ lệ thương tật của trẻ nhỏ khi ngồi hàng sau thấp hơn nhiều lần so với ngồi hàng ghế trước và thấp hơn rất nhiều nếu trẻ em ngồi trong ghế dành riêng. Nghiên cứu Quốc tế đã chỉ ra, sử dụng thiết bị an toàn phù hợp có thể giảm 70 đến 90% số ca tử vong và chấn thương nặng ở trẻ em cũng vì thế đến nay đã có 128 quốc gia trên thế giới ban hành Luật với quy định trẻ em khi tham gia giao thông phải sử dụng thiết bị an toàn.
Thạc sĩ Dương Kim Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phòng chống chấn thương, Trường Đại học Y tế công cộng cho biết, việc không sử dụng thiết bị an toàn đúng quy định cho trẻ em trên ô tô khi tham gia giao thông sẽ dẫn đến những hậu quả rất nặng nề. Không chỉ là những nguy cơ trực tiếp cho trẻ khi xảy ra tai nạn giao thông mà người lớn cũng đối diện với các nguy cơ như: Gây mất tập trung vì phải để ý đến trẻ nhất là nhóm trẻ dưới 6 tuổi. Hoặc nếu có người lớn thứ hai bế trẻ sẽ dễ làm cho người đó không đeo dây đai an toàn.
Trong khi đó, các thiết bị an toàn trên xe ô tô cho trẻ, ngoài việc tạo tư thế ngồi thoải mái, chắc chắn còn có thể làm giảm nguy cơ chấn thương cho trẻ em trong các vụ tại nạn giao thông. Chính vì vậy, tăng cường phổ biến và thúc đẩy thực hiện quy định về thiết bị bảo vệ trẻ em trên xe ô tô là việc làm cần thiết hiện nay, nhất là khi xu hướng sử dụng xe ô tô ở nước ta đang tăng nhanh ở các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội…
Trước thực tế tỷ lệ sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em ở nước ta hiện nay còn ở mức thấp, cũng như đánh giá được những nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra với trẻ em, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ vừa được Quốc hội thông qua đã có quy định đảm bảo an toàn cho trẻ ngồi trên ôtô. Theo đó, trẻ dưới 10 tuổi và cao dưới 1,35m không được ngồi cùng hàng ghế với người lái xe (trừ loại xe ôtô chỉ có một hàng ghế); người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em phù hợp. Quy định này sẽ có hiệu lực từ 1/1/2026.
Theo Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó Trưởng phòng hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ có rất nhiều những vấn đề mới, nhân văn liên quan đến đối tượng người yếu thế như trẻ em, người già yếu, người khuyết tật, phụ nữ mang thai và cả người mất năng lực hành vi dân sự. Trẻ em là thế hệ tương lai của đất nước, là người sẽ tham gia giao thông sau này. Chính vì vậy, khi các em được tiếp cận với những thiết bị an toàn dành cho các em ngay từ khi còn nhỏ sẽ tạo thói quen, các em sẽ hợp tác và chịu sử dụng những thiết bị an toàn phù hợp với mình.
Cùng với đó, Bộ Công an đã soạn thảo nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ, trong đó quy định người chở trẻ em trên ô tô không có thiết bị an toàn có thể bị phạt từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng, trừ điểm giấy phép lái xe của người điều khiển xe ô tô có hành vi vi phạm chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35m trên xe ô tô (trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế) ngồi cùng hàng ghế với người lái xe hoặc không sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em theo quy định.
Tuy nhiên, quy định có được triển khai hiệu quả không thì điều quan trọng nhất chính là tuyên truyền nâng cao nhận thức, cung cấp kiến thức sử dụng các thiết bị an toàn cho trẻ em, thắt dây an toàn tất cả những người ngồi trên ô tô của người dân thực hiện quy định về thiết bị bảo vệ trẻ em trên xe ô tô.
Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó Trưởng phòng hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông cho rằng, các cơ quan quản lý cần tuyên truyền rộng rãi để người dân biết và chủ động tìm hiểu tuân thủ các quy định của pháp luật. Công tác tuyên truyền cần phải đa dạng và áp dụng mọi hình thức, phương thức phù hợp với mọi đối tượng và tình hình thực tế.
Từ áp dụng các hình thức tuyên truyền truyền thống, có thể sử dụng những khẩu hiệu, slogan ngắn tuyên truyền trên các ứng dụng mạng xã hội, chạy chữ trên bảng điện tử, dưới các chương trình trên phương tiện truyền hình, phát thanh cơ sở…. để có cơ hội tiếp cận và có hiệu ứng lan toả cao.
Thực tế, cho trẻ em tham gia giao thông trên phương tiện ô tô chưa đảm bảo an toàn dẫn đến nhiều vụ tai nạn đáng tiếc, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ. Do đó, sử dụng các thiết bị an toàn cho trẻ em là điều quan trọng để giảm tỷ lệ thương tích và tử vong khi trẻ tham gia giao thông trên xe ô tô. Muốn làm được điều này, ngoài việc tuyên truyền, nâng cao ý thức cho các phụ huynh, lực lượng chức năng cũng cần thực hiện quyết liệt, xử phạt thật nghiêm thì các quy định mới có thể đi vào cuộc sống.
Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 với Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó Trưởng phòng hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông và Thạc sĩ Dương Kim Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phòng chống chấn thương, Trường Đại học Y tế công cộng: