Tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) được xem là một chiếc phao cứu hộ, một hình thức tiết kiệm “đóng góp khi lành để dành khi ốm” nhằm giảm bớt gánh nặng về kinh tế khi không may bị ốm đau, bệnh tật. Đồng thời chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng xã hội, cũng là thể hiện đạo lý truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam ta.

Nếu như trước năm 2021, khám chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh sẽ chỉ được quỹ BHYT thanh toán 60% đối với những người bệnh điều trị nội trú, thì từ ngày 1/1/2021 theo quy định của Luật BHYT, quỹ BHYT sẽ chi trả 100% chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng. Như vậy khi thông tuyến, bệnh nhân được quyền chọn lựa theo đúng nhu cầu và được hưởng những điều kiện điều trị tốt hơn. Chính sách thông tuyến mới này khiến ai nấy đều vui mừng, các bệnh nhân có thẻ BHYT “trút” được nỗi lo thủ tục chuyển viện.

Bà Phạm Thị Bằng, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đang làm giúp việc tại Hà Nội cho biết, trước đây mỗi lần đi khám bà phải xin giấy chuyển tuyến từ huyện rồi mới đi lên tỉnh. Thấy phức tạp quá nên nhiều lần bà đành phải chữa tư. "Hôm đó, bảo hiểm coi như vứt đi, tốn bao tiền. Bây giờ thông tuyến, tôi ở Hà Nội đi điều trị luôn tại bệnh viện thành phố rất tiện lợi".

Việc triển khai thông tuyến BHYT rất thuận lợi cho bệnh nhân đến khám bệnh, đặc biệt là bệnh nhân nhập viện nội trú. Vì trước đây bệnh nhân khi không đăng kí khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến huyện, tuyến thành phố và tỉnh khác, khi nhập viện phải có giấy chuyển viện, các thủ tục hành chính để thanh toán BHYT sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Quy định thông tuyến BHYT tuyến tỉnh không những tạo điều kiện cho người dân được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của mình mà còn thúc đẩy chất lượng khám, chữa bệnh, buộc các cơ sở khám, chữa bệnh phải đổi mới phương pháp quản lý, tăng cường chất lượng dịch vụ, nâng cao kỹ năng tay nghề, thu hút người bệnh... nếu không người bệnh sẽ không đến điều trị. Đó là khẳng định của ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban thực hiện chính sách, Bảo hiểm xã hội Việt Nam. "Tuy nhiên, việc thông tuyến khám chữa bệnh BHYT tại tuyến tỉnh hiện chỉ dừng ở lĩnh vực điều trị nội trú, mà chưa mở rộng ra lĩnh vực khám bệnh và điều trị ngoại trú để tránh trường hợp trục lợi BHYT". Ông Phúc cho biết.

"Nhiều người cũng thắc mắc, tại sao lại mới chỉ thông tuyến điều trị nội trú mà không thông tuyến khám bệnh và điều trị ngoại trú tại tuyến tỉnh? Bởi như chúng ta đều biết, thiết kế hệ thống y tế bao gồm tuyến xã, tuyến huyện, tuyến tỉnh, tuyến trung ương. Tuyến xã, tuyến huyện để khám và chăm sóc sức khỏe ban đầu, còn tuyến tỉnh là khám chữa bệnh chuyên sâu. Chính vì vậy, Luật chỉ quy định thông tuyến bảo hiểm y tế đối với những trường hợp điều trị nội trú là những trường hợp bệnh nặng hơn, những trường hợp cần chăm sóc nhiều hơn. Chúng tôi ước tính, khi thông tuyến lĩnh vực điều trị nội trú, Quỹ bảo hiểm y tế sẽ phải chi trả thêm hàng tỷ đồng/năm".

Việc thông tuyến tỉnh BHYT đòi hỏi các cơ sở y tế nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đồng thời tăng cường kiểm tra việc chỉ định bệnh nhân vào điều trị nội trú, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát, thẩm định và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT nhằm quản lý và sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT một cách hiệu quả, tránh tình trạng lạm dụng quỹ BHYT.