Luật sư Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc Công ty luật Phúc Khánh Hưng cho biết: "Theo điểm a, khoản 2, điều 15 Luật Nuôi con nuôi 2010, người phát hiện trẻ bị bỏ rơi cần đưa trẻ đến cơ quan công an để trình báo hoặc cơ sở y tế cấp xã gần nhất nơi phát hiện cháu để theo dõi y tế và cấp cứu kịp thời (nếu cần thiết), đồng thời thông báo đến UBND cấp xã nơi phát hiện cháu. Ngay sau khi xác minh sự việc, UBND cấp xã sẽ có trách nhiệm tìm người hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ em. Nếu có người nhận trẻ em làm con nuôi thì UBND cấp xã nơi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi, xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Nếu không có người nhận trẻ em làm con nuôi thì lập hồ sơ đưa trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng."

- Khoản 1, điều 14, Luật Nuôi con nuôi quy định người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:

+ Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

+ Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

+ Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

+ Có tư cách đạo đức tốt.

- Theo quy định tại Điều 8 Luật nuôi con nuôi năm 2010 thì người được nhận làm con nuôi bao gồm:

+ Trẻ em dưới 16 tuổi;

+ Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp: Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi; Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.

+ Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.

- Hồ sơ của người nhận con nuôi bao gồm:

+ Đơn xin nhận con nuôi;

+ Bản sao Hộ chiếu, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;

+ Phiếu lý lịch tư pháp;

+ Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;

+ Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp; văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp.