Hiên nay, pháp luật hiện hành chưa có quy định về khái niệm pháp lý của “Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân”. Tuy nhiên, có thể hiểu “Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân” là giấy tờ về nhân thân, dùng để xác nhận tại thời điểm xin cấp, người yêu cầu đang có tình trạng hôn nhân thế nào: Chưa đăng ký kết hôn bao giờ, hoặc đang có vợ/chồng, hoặc đã có vợ/chồng nhưng đã ly hôn hoặc vợ/chồng đã chết.v.v..

Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ, trong trường hợp đăng ký kết hôn tại UBND cấp huyện hoặc tại UBND cấp xã mà người yêu cầu đăng ký kết hôn không thường trú tại xã, phường, thị trấn nơi đăng ký kết hôn thì phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do UBND cấp xã có thẩm quyền cấp theo quy định tại các Điều 21, 22 và 23 của Nghị định số 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Ngoài thủ tục đăng ký kết hôn, thì công dân cũng có thể phải cung cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân trong một số thủ tục khác như: Đăng ký nhận con nuôi, hoặc là thực hiện các giao dịch mua bán quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở.v.v..

Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Cty Luật TGS, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nôi cho biết, theo quy định tại Điều 23 Nghị định 123/2015/NĐ-CP của Chỉnh phủ, được hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 12 Thông tư số 04/2020/TT-BTP do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành thì : “Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có giá trị đến thời điểm thay đổi tình trạng hôn nhân hoặc 06 tháng kể từ ngày cấp, tùy theo thời điểm nào đến trước”. Nếu công dân bị mất Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân thi có thể xin cấp lại nhưng phải trình bày rõ lý do không nộp lại được Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã được cấp trước đây.

Hiện nay, nhiều tỉnh đã áp dụng dịch vụ công cấp độ 4, do đó, công dân hoàn toàn có thể thực hiện việc xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công cấp tỉnh.

Để nắm rõ các quy định về thủ tục xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, mời quý vị và các bạn nghe tư vấn của luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Cty Luật TGS tại đây: