Bộ Công an đang xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe. Đáng chú ý, cơ quan soạn thảo đề xuất lực lượng công an được sử dụng nguồn kinh phí trên để mua tin phục vụ công tác xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, mức chi mỗi vụ việc bằng 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân nhưng không quá 5 triệu đồng. Đồng thời, các cơ quan có thể khen thưởng cho tập thể, cá nhân đã cung cấp thông tin có giá trị giúp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, mức chi cũng không quá 5 triệu đồng mỗi vụ việc.
TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia trong lĩnh vực giao thông hoàn toàn ủng hộ đề xuất này và cho rằng điều này là cần thiết để khuyến khích hoặc thưởng cho những người cung cấp tin về vấn đề tai nạn giao thông. Đây là một phương pháp tận dụng thông tin của xã hội.
“Nếu cơ quan chức năng có khen thưởng cho những người tố giác các hành vi vi phạm giao thông sẽ làm cho ý thức tham gia giao thông của người dân, không chỉ là những người đi xe mà còn quan sát xung quanh và có thể cung cấp thông tin cho ngành công an, làm sáng tỏ thêm những nguyên nhân, vụ việc vì mất an toàn giao thông. Đồng thời còn nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông” - TS Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh
Trên thực tế, vấn đề này không phải là mới, ý tưởng trả tiền mua tin vi phạm giao thông từng được Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đưa ra vào năm 2022. Trên thế giới, cơ chế mua tin này đã được nhiều nước áp dụng như: Mỹ, Hàn Quốc... Ở nước ta, lâu nay, việc kêu gọi toàn dân tham gia cung cấp thông tin vi phạm trật tự an toàn giao thông được nhiều địa phương, đơn vị thực hiện.
Tuy nhiên, cơ chế chi tiền hoặc thưởng cho người cung cấp thông tin ít được sử dụng, nếu có chỉ là số ít. Lâu nay, việc kêu gọi toàn dân tham gia cung cấp thông tin vi phạm trật tự an toàn giao thông được nhiều địa phương, đơn vị thực hiện. Tuy nhiên, cơ chế chi tiền hoặc thưởng cho người cung cấp thông tin ít được sử dụng, nếu có chỉ là số ít. Chính vì thế, đề xuất cơ chế thưởng tiền của Bộ Công an lần này là một bước tiến quan trọng, khuyến khích người dân chủ động hơn trong việc tố giác vi phạm, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Xuân Thủy, cơ chế này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cần được cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt là đảm bảo sự minh bạch và công bằng trong việc trao thưởng. Vì động đến đồng tiền nên rất nhiều vấn đề nảy sinh, có những cách làm trung thực, trách nhiệm nhưng cũng có những người chạy theo đồng tiền. Mức thưởng cũng phải rạch ròi, công bằng.
Cho nên cơ quan chức năng phải có những tiêu chí, những đánh giá để tạo ra sự công bằng, hợp lý. Khi có sự công bằng thì sẽ tạo ra được hiệu quả trong việc cung cấp thông tin.
Hiện nay, việc xử phạt vi phạm an toàn giao thông ngày càng được nhiều người dân cung cấp bằng chứng nhưng đó là xuất phát từ ý thức và trách nhiệm của người dân để văn hóa giao thông ngày càng văn minh hơn. Việc đề xuất mua, khen thưởng để khuyến khích người dân chủ động hơn trong việc tố giác vi phạm giao thông là hoàn toàn cần thiết.
Tuy nhiên, đây là vấn đề nhạy cảm, dễ dẫn đến hiệu quả tiêu cực, trục lợi cá nhân. TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng vấn đề nào cũng có tính hai mặt. Quan trọng là mặt tích cực vượt trội hơn. Chính vì thế, các cơ quan chức năng khi thu các thông tin đó phải sàng lọc để thấy rõ những thông tin nào là cơ bản, trung thực, khoa học để sử dụng. Còn những thông tin nào dàn dựng thì cũng sớm phát hiện ra và có hướng xử lý kịp thời để giảm bớt tiêu cực trong việc cung cấp thông tin vi phạm trật tự an toàn giao thông cũng như đảm bảo điều hành trật tự an toàn giao thông được tốt hơn.
“Người dân cũng nên có ý thức, chúng ta phải cùng với xã hội xây dựng văn hóa giao thông ngày càng văn minh, an toàn, chứ không nên lợi dụng để kiếm tiền một cách thiếu đạo đức trên cố gắng của toàn xã hôi” - TS Nguyễn Xuân Thủy lưu ý.
Đề xuất mua tin hoặc thưởng tiền cho người tố giác hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích và là động lực mạnh mẽ để người dân nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cần phải tính toán, cân nhắc để đưa ra những phương án thực sự có tính khả thi để đề xuất cụ thể hơn, rõ ràng hơn. Quy định rõ các hành vi, vi phạm giao thông ở mức độ nào thì người tố giác được thưởng tiền hoặc trả phí. Điều này vừa để giám sát, vừa để xử lý kịp thời các hành vi vi phạm giao thông. Đồng thời ràng buộc trách nhiệm của người cung cấp thông tin, đảm bảo thông tin được cung cấp là trung thực, chính xác.