Tính đến tháng 12/2021, tổng số hiệp hội nghề nghiệp, ngành hàng là hơn 93 nghìn, trong đó có 571 hội hoạt động trên phạm vi cả nước hơn 92 nghìn hội hoạt động tại địa phương, 28 hội có tính chất đặc thù. Các hiệp hội đã và đang tích cực trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, không ít hiệp hội đã thành lập các Trung tâm tư vấn pháp luật dành cho các doanh nghiệp, các hội viên thuộc ngành nghề của mình.

Được thành lập từ năm 2018, Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trong suốt thời gian qua đã tham gia tư vấn pháp luật cho các doanh nghiệp làng nghề, cho các hội viên, nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề, các gia đình có công, gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, chất độc gia cam và hộ nghèo.

Ông Nguyễn Văn Vũ, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật của Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho biết, Trung tâm được Sở Tư pháp thành phố cho phép thành lập cách đây 5 năm với nhiệm vụ giúp cho các hội viên làng nghề về tư vấn có nhu cầu về tư vấn pháp luật trong tất cả các lĩnh vực về dân sự, hình sự, đất đai.

"Trong quá trình làm việc chúng tôi thấy người làm nghề thường yêu cầu tư vấn những vấn đề như chuyển đổi số cho các doanh nghiệp làng nghề, đặc biệt làm thế nào để có các trung tâm để giới thiệu để sản xuất của các làng nghề…”, ông Vũ chia sẻ.

Thứ Tư hằng tuần, tại địa chỉ Tạp chí làng nghề Việt Nam, số 46 Tăng Bạt Hổ, phường Phạm Đình Hồ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Trung tâm tư vấn pháp luật Hiệp hội Làng nghề Việt Nam có các luật gia, luật sư nhiều năm kinh nghiệm trực tư vấn cho các nghệ nhân, các doanh nghiệp ở làng nghề và những đối tượng liên quan theo cả hai hình thức trực tiếp và qua điện thoại. Đội ngũ làm tư vấn pháp luật của trung tâm gồm những người đã về hưu đã kinh qua các công việc về pháp luật của Trung ương và thành phố, am hiểu về pháp luật, muốn có đóng góp giúp cho các làng nghề và làm miễn phí.

Tuy nhiên, theo ông Vũ sau 5 năm hoạt động, mặc dù đã có những nỗ lực trong công tác truyền thông nhưng thông tin về Trung tâm và các hoạt động hỗ trợ pháp luật vẫn chưa bao phủ được tới nghệ nhân hay doanh nghiệp làng nghề nên các ca tư vấn pháp luật vẫn còn hạn chế về số lượng. Thời gian tới, Trung tâm có dự kiến sẽ xuống tận các làng nghề, tiếp xúc, lắng nghe, chia sẻ, tư vấn và phổ biến pháp luật về vấn đề như nghĩa vụ đóng thuế, xây dựng các thương hiệu của các sản phẩm... bằng cách sẽ phối hợp cùng với Ủy ban nhân dân xã.

Có một điều theo ông Vũ, rất cần có hỗ trợ kinh phí cho đội ngũ tư vấn chi phí di chuyển về các làng nghề. Bên cạnh đó, ông Vũ cũng đề xuất sự hỗ trợ kịp thời hơn nữa từ Bộ Tư pháp, Sở tư pháp những vấn đề mới về Pháp luật để tư vấn vừa nhanh chóng, kịp thời và cả chính xác.

“Chúng tôi thấy muốn nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm tư vấn pháp luật, Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp nên có các tài liệu để gửi cho các trung tâm tư vấn pháp luật để kịp thời tiếp cận những thông tin, những chính sách mới của Đảng, Nhà nước và của bộ ngành để các tư vấn viên pháp luật để trả lời giúp dân được chính xác, có độ tin cậy", ông Vũ giải thích thêm.

Theo Luật gia Nguyễn Hoàng Oanh, công ty Luật trách nhiệm hữu hạn Châu Phong, các trung tâm hỗ trợ pháp luật cho doanh nghiệp như Trung tâm của Hiệp hội làng nghề đã có những đóng góp hiệu của và cụ thể bằng những phần việc như: Góp ý xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; Chủ động đề xuất nhu cầu phản ánh nội dung những vướng mắc pháp lý phổ biến của các doanh nghiệp; Tổ chức có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hội viên trên cả nước. Các hoạt động hỗ trợ trên đã đạt được những kết quả đáng kể trong quá trình tạo ra chuỗi giá trị cho hoạt động kinh tế của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ở đây, đối tượng cụ thể là nghệ nhân, các doanh nghiệp, lao động của hơn 5000 làng nghề trên cả nước.

Nhưng bên cạnh những kết quả, thành tựu đã đạt được bước đầu khẳng định vai trò của các tổ chức đại diện doanh nghiệp thì vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là chưa làm hết chức năng, nhiệm vụ của mình. Để phù hợp với chủ trương xã hội hóa hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, theo luật gia Nguyễn Hoàng Oanh, các tổ chức đại diện doanh nghiệp cần có điều chỉnh phù hợp để thể hiện rõ hơn vai trò của mình trong việc thực hiện hoạt động hỗ trợ doanh.

“Các trung tâm, tổ chức có chức năng hỗ trợ nếu có cơ sở tự cân đối kinh phí thực hiện hoặc tham gia hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp có sử dụng nguổn kinh phí nhà nước theo nhiệm vụ được Nhà nước đặt hàng. Vai trò của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp phải được thể hiện rõ hơn, cơ chế nhằm phát huy sự tham gia của các tổ chức đại diện doanh nghiệp phải thông thoáng, mở rộng cả về quy mô và tổ chức, tần suất thường xuyên để giải quyết kịp thời các vướng mắc của doanh nghiệp.”

Luật gia Nguyễn Hoàng Oanh cũng cho rằng cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh hay tìm kiếm thị trường đầu ra trong bối cảnh doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp vô vàn khó khăn trong tìm kiếm và duy trì thị trường. Các Hiệp hội hay tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần kiến nghị chính sách về tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp nhỏ và vừa, khẳng định được vị thế tại thị trường nội địa; kiến nghị nhà nước tạo điều kiện cho ưu đãi về thuế, chính sách cho DNNVV được ưu đãi trong tiếp cận đất công nghiệp ở các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế.

Mời các bạn bấm nút nghe nội dung: