Cùng với sự phát triển của viễn thông, internet, sự bùng nổ của mạng xã hội là một trong những xu hướng chính. Đi kèm theo với sự tiện lợi trong chia sẻ thông tin, kết nối người dùng, nhiều vấn đề pháp lý cũng phát sinh, trong đó có vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ. Mới đây, những vướng mắc xung quanh việc Công ty Cổ phần Thương mại và dịch vụ truyền thông BIHACO (viết tắt là BH Media) đánh gậy bản quyền một loạt các tác phẩm như ca khúc "Tiến quân ca", video "Quốc tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp", "Tiếng trống Mê Linh", "Nửa đời hương phấn", "Giấc mơ trưa" trên YouTube đã khiến dư luận quan tâm. Vấn đề bản quyền trên không gian số cần được nhìn nhận như thế nào? PV Đài Tiếng Nói Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Văn Hà, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội về vấn đề này:

- PV: Thưa luật sư Lê Văn Hà, nhắc đến bản quyền thì một trong những văn bản pháp lý quan trọng được đề cập là Công ước Berne, quy định về bản quyền tác giả với hơn 135 năm hình thành và phát triển. Công ước Berne đã được sửa đổi, bổ sung 8 lần và hiện nay có trên 160 quốc gia là thành viên. Sau nhiều lần sửa đổi, đến nay Công ước Berne được đánh giá là đang đáp ứng được những yêu cầu bảo hộ Quyền tác giả trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay. Việt Nam chúng ta gia nhập công ước ngày 26/10/2004. Luật sư đánh giá ra sao về hành lang pháp lý của chúng ta đối với vấn đề bản quyền, đặc biệt là quyền tác giả đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật?

- Luật sư Lê Văn Hà: Đúng vậy, Việt Nam đã tham dự công ước Berne từ năm 2004, đây là điều ước phổ biến nhất về bản quyền tác giả. Về pháp luật trong nước, trong Luật Sở hữu trí tuệ từ Điều 13 cho đến Điều 57 quy định về bản quyền tác giả một cách trực tiếp, ngoài ra còn có các luật khác như Bộ luật Dân sự cũng quy định về bản quyền tác giả là một trong những loại hình tài sản có thể được hình thành theo Điều 221 và 222.

Với những điều ước đã được ký kết, Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành năm 2005 và được sửa đổi năm 2013 và năm 2019, cũng như dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đang được thảo luận tại Quốc hội đã cho thấy sự quan tâm về việc ban hành pháp luật và khung pháp lý đối với quyền sở hữu trí tuệ nói chung cũng như là bản quyền tác giả nói riêng. Có thể nói chúng ta có khung pháp lý khá đầy đủ để điều chỉnh và bảo vệ lợi ích của các bên liên quan.

- PV: Không chỉ nhạc sĩ Giáng Sol mà nhiều nhạc sĩ khác, khi đăng tải ca khúc do chính mình sáng tác lên Youtube cũng đã nhận được email cảnh báo vi phạm bản quyền. Luật sư nhìn nhận như thế nào về vụ việc này của BH Media với nhạc sỹ Giáng Sol?

- Luật sư Lê Văn Hà: Không có trong tay hồ sơ của vụ việc nên tôi không thể nhận định trực tiếp về vụ việc của BH Media cũng như nhạc sĩ Giáng Sol. Trong câu chuyện tranh chấp về bản quyền như này, chúng ta cũng nên có một cách tiếp cận rộng hơn. Trong Luật Sở hữu trí tuệ thì phần quy định về bản quyền tác giả mà chúng ta hay gọi tắt là tác quyền, tương đối phức tạp. Đây là một loại tài sản được hình thành và công nhận theo Bộ luật Dân sự nhưng lại rất đặc thù và khác biệt so với tài sản thông thường khác. Điểm khác biệt đầu tiên là tính hữu hình của nó, dạng tồn tại của các tác phẩm nghệ thuật, truyện, sân khấu... tương đối khác với các tài sản hữu hình khác, do vậy mọi người có xu hướng nhìn nhận tài sản ấy theo hướng chủ quan của mình và mỗi người đểu có một lý do nhất định và cách hiểu riêng của họ về quyền sở hữu với tài sản đó.

- PV: Thưa luật sư, thời gian qua BH Media cũng bị nhiều YouTuber tố là “nhận vơ” các tác phẩm, tự ý đăng ký quyền sở hữu trên Youtube qua hệ thống Content ID (hệ thống cho phép chủ sở hữu bản quyền phát hiện ra những video trên kênh Yotube vi phạm bản quyền của họ). BH Media cho rằng họ chỉ sở hữu với bản ghi Giấc mơ trưa, nhạc sỹ Giáng Sol thì cho rằng chị chỉ thuê Hồ Gươm Audio phát hành trên nền tảng đĩa CD. Luật sư có phân tích gì về vấn đề này, đặc biệt là hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, của không gian số, một bản nhạc có rất nhiều bản phối khí, bản ghi âm, bản dàn dựng khác nhau?

- Luật sư Lê Văn Hà: Tác giả hay chủ sở hữu tác phẩm không cần đăng ký cũng phát sinh quyền sở hữu của mình đối với tác phẩm. Việc đăng ký bảo hộ tác quyền nó không phải là điều kiện bắt buộc làm phát sinh quyền tác giả. Vấn đề thứ hai là liên quan đến việc sở hữu của loại tài sản này thì ngoài quyền sở hữu thông thường, tác giả còn có quyền nhân thân đối với tác phẩm, là quyền được đứng tên, được bảo vệ toàn vẹn tác phẩm của mình... Ngoài người sáng tạo ra tác phẩm, còn có thể chủ sở hữu tác phẩm là người do tác giả chuyển giao quyền sở hữu, chủ sở hữu các quyền liên quan tới tác phẩm, chủ sở hữu của các tác phẩm tái sinh, tức là các tác phẩm được chuyển thể, được biên dịch, cải biên, tuyển chọn. Đối với một loại tài sản mà hình thức tồn tại của nó tương đối đặc thù, lại có rất nhiều các chủ sở hữu với các quyền liên quan khác chẳng hạn như là quyền nhân thân thì nhận thức cũng như quan niệm của mỗi bên sẽ khác nhau về cùng một tác phẩm.

PV: Chúng ta hẳn cũng chưa quên vụ tranh chấp kéo dài tới 13 năm giữa họa sỹ Lê Linh và Tập đoàn Phan Thị về bản quyền với Thần đồng đất Việt. Gần đây là vụ việc giữa gia đình đại tướng Võ Nguyên Giáp và gia đình nhà văn Hữu Mai quanh bộ hồi ký Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn này thể hiện. Ông nhìn nhận như thế nào về việc ngày càng có nhiều các tranh chấp về bản quyền tác giả? Liệu có nguyên nhân do khuôn khổ pháp lý chưa đầy đủ, pháp luật chưa quy định cụ thể hay không?

- Luật sư Lê Văn Hà: Pháp luật Việt Nam cũng quy định khá đầy đủ về vấn đề này. Việc các tranh chấp về bản quyền tác giả xuất hiện ngày càng nhiều thể hiện sự phát triển của xã hội, nhận thức của mọi người về quyền tác giả. Với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, thì bản quyền liên quan đến nội dung số là một trong những tài sản phổ biến và có giá trị lớn đối với các doanh nghiệp hay là đối với các tác giả. Đối với những tập đoàn xuyên quốc gia như Google, Facebook hoặc Microsoft thì ngoài các tài sản hữu hình, họ còn có tài sản là bản quyền tác giả đối với các phần mềm máy tính và các nội dung số. Bản thân các tập đoàn này cũng phải đối mặt với các tranh chấp với các quốc gia, các khu vực lãnh thổ liên quan đến vấn đề bản quyền tác giả. Tôi cho rằng là sự tranh chấp về bản quyền tác giả trên nền tảng số nó cũng không phải là một dấu hiệu xấu gì mà thể hiện xã hội đang văn minh lên. Do vậy chúng ta cần phải bình tĩnh nhìn nhận lại các góc cạnh của vấn đề liên quan đến các quy định về bản quyền và tác quyền.

PV: Có ý kiến cho rằng việc xâm phạm bản quyền tác giả tại Việt Nam đang ở mức báo động cao, trong khi đó các phương án xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả thì chưa thực sự đủ sức răn đe, thậm chí bản thân nhiều tác giả chưa ý thức rõ ràng, đầy đủ về quyền nhân thân và quyền tài sản của mình với tác phẩm trong khi người nghe, người đọc, người sử dụng các tác phẩm văn học nghệ thuật thì chưa hiểu rõ về trách nhiệm, nghĩa vụ tôn trọng quyền tác giả. Theo luật sư thì giải pháp nào để nâng cao hiệu quả áp dụng quy định pháp luật về tác quyền, giảm thiểu các tranh chấp không đáng có?

- Luật sư Lê Văn Hà: Hiện nay khung pháp lý cho bản quyền tác giả cũng tương đối đầy đủ, nhà nước Việt Nam cũng rất chú trọng đến vấn đề này. Trong bộ Luật hình sự cũng có các điều luật quy định liên quan đến các vi phạm về tác quyền có thể đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến những vi phạm về tác quyền cũng tương đối cao. Trong những năm gần đây, các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng rất để ý xử lý những hành vi vi phạm về tác quyền, ví dụ như vi phạm về phát hành các bản nhạc, tác phẩm không có bản quyền tác giả. Tất nhiên vẫn phải cố gắng hoàn thiện và phát huy hơn nữa về việc bảo vệ quyền tác giả, tác quyền, nhưng tôi thấy rằng chúng ta đang đi đúng hướng. Điểm quan trọng hơn là cách mạng công nghiệp 4.0 hoặc là nội dung số đang đẩy cao sự chú ý của xã hội về vấn đề bản quyền tác giả. Như vậy, vấn đề này sẽ được xem xét kỹ lưỡng và được xử lý một cách đúng đắn.

PV: Xin trân trọng cảm ơn luật sư!

Quy định về quyền tác giả của Việt Nam đã được xây dựng khá đầy đủ, tiếp cận với các quy định của quốc tế, của công ước Berne. Cùng theo nguyên tắc bảo hộ đương nhiên của Công ước Berne, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định: Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo, không phân biệt đã công bố hay ch­ưa công bố, đã đăng ký hay ch­ưa đăng ký.

Hụt hẫng khi đứa con tinh thần do mình sáng tạo ra, khi công bố trên không gian số lại bị tố vi phạm bản quyền, nhạc sĩ Giáng sol, mẹ đẻ của các tác phẩm "Giấc mơ trưa" cho biết: " Tôi lập kênh Youtube để đưa tất cả các bài hát của mình lên chia sẻ với mọi người. Vì biết Youtube có quy định chặt chẽ về bản quyền nên tôi đã rất cẩn thận đưa bài 'Giấc mơ trưa' do tôi sản xuất trong album 'Giáng Son' (2007) lên trước. Mọi bản phối, bản audio đều là của riêng tôi. Đưa lên mấy ngày thì có thông báo bài hát của tôi vi phạm bản quyền từ công ty BH Media. Việc này khiến tôi vô cùng sốc!"

Nhạc sĩ Giáng Son cho biết thêm, nghệ sĩ Dương Thùy Anh (nghệ sỹ đàn nhị) đã từng xin bản phối "Giấc mơ trưa" của chị để đi biểu diễn và làm CD, do bên Hồ Gươm Audio Video phát hành. CD này sau đó đã được BH Media mua lại và đăng ký trên Youtube. Tuy nhiên, theo Giáng Son, bản ghi của chị và bản do Dương Thùy Anh biểu diễn là 2 bản phối khí khác nhau và BH Media không có quyền gì với bản phối của nhạc sĩ Giáng Son. Nhạc sĩ Giáng Son khẳng định chị không hề ký độc quyền ca khúc với bất kỳ ai hay công ty nào như Hồ Gươm Audio Video và BH Media.

Tuy nhiên, nhạc sĩ Giáng Son không phải là trường hợp duy nhất bị báo cáo vi phạm bản quyền ca khúc do chính mình sáng tác. Nhạc sĩ Minh Châu cũng rất bức xúc khi bị rơi vào trường hợp tương tự: “Tôi cũng từng bị BH Media cảnh báo bản quyền đối với tác phẩm của mình. Ngay sau khi tôi phản ứng, đại diện BH Media đã gặp gỡ, xin lỗi và sau đó đã gỡ cảnh báo trên Youtube”.