Sau 3 vòng thẩm vấn, hầu hết người bị truy tố tội Nhận hối lộ đều khai "không đòi". Còn các lãnh đạo doanh nghiệp bị cáo buộc Đưa hối lộ đứng ở hai thái cực: tự nguyện "cám ơn"; hoặc bị ngã giá, gây khó khăn khiến họ phải chi tiền. Qua 515 lần đưa - nhận hối lộ với số tiền lên tới 165 tỷ đồng (trung bình 320 triệu đồng mỗi lần) được nêu trong cáo trạng cho thấy, một dạng "luật ngầm" đã được các bị cáo thiết lập.

Theo Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, tháng 1/2020, dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chính phủ đã tổ chức một số chuyến bay giải cứu đưa công dân Việt Nam từ Vũ Hán về nước chỉ thu phí vé máy bay và cách ly tại cơ sở quân đội (gọi chung là "Chuyến bay giải cứu"). Sau đó, do nhu cầu của người Việt sinh sống tại các quốc gia khác muốn về nước tránh dịch là rất lớn, trong khi việc cách ly và chi phí gặp khó khăn, Chính phủ đã đồng ý cho tổ chức các chuyến bay mà công dân tự nguyện trả phí toàn bộ (chuyến bay combo), giao 4 bộ, ngành (Y tế, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Ngoại giao), sau đó bổ sung thêm Bộ Công an cùng phối hợp thực hiện. Trong quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương, từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2022, một số cá nhân thuộc các bộ, ngành được giao nhiệm vụ, một số đại diện doanh nghiệp và các đối tượng khác đã lợi dụng tình hình để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Khai tại tòa, một số bị cáo cho biết, khi tổ chức "chuyến bay giải cứu" đưa sinh viên, người lao động đang mắc kẹt ở nước ngoài hồi hương đã bị một số cán bộ yêu cầu chung chi theo hình thức “đếm đầu người": mỗi sinh viên 500 USD, người lao động 6 triệu đồng. Theo dõi việc xét xử vụ án này trong mấy ngày qua, dư luận không khỏi phẫn nộ bởi khi sống giữa tâm dịch Covid-19, ai cũng chỉ biết cầu mong mọi người bình an, không biết được ngày mai sẽ ra sao. Các du học sinh hay lực lượng xuất khẩu lao động ở nước ngoài còn khốn đốn hơn nhiều. Ấy thế mà lại có những liên kết ma quỷ để ăn tiền trên nỗi hoảng loạn của người dân. Có người còn nói “Đọc những lời khai của các bị cáo thì đến sỏi đá cũng phẫn nộ”.

Thậm chí, họ còn “ăn chia” cả tiền của gần 1.900 người được mãn hạn tù ở Malaysia muốn trở về nước. Đó là những ngư dân vô tình xâm phạm lãnh hải trên biển của nước bạn khi đi đánh cá, những người lao động bất hợp pháp.. Tổng số tiền các bị cáo được hưởng lợi bất chính từ vụ việc này lên tới gần 10,5 tỉ đồng.

Tại phiên xét xử, nhiều vị quan chức đã rơi nước mắt nói lời xin lỗi vì đã nhận hối lộ, nhưng phần đông đều cho rằng, nhận tiền vì nghĩ là không sai phạm mà nhận theo một trình tự, thủ tục công khai, một “thói quen” nhận quà cảm ơn của các doanh nghiệp trong các dịp lễ, tết, dịp đặc biệt, gặp gỡ. Nhưng, không có vị quan chức nào đưa ra hoài nghi về việc có bất thường hay không khi doanh nghiệp "cảm ơn" hàng chục, thậm chí nhiều chục tỉ đồng (?).

Sáng 17/7, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội sẽ luận tội đề nghị mức án với 54 bị cáo trong vụ chuyến bay giải cứu. Còn nhiều vấn đề đang chờ được Viện Kiểm sát kết luận. Hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án này bị coi là đặc biệt nghiêm trọng, khi lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid 19, vì mục đích cá nhân, họ đã bất chấp các quy định của pháp luật, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Nguồn: Tổng hợp