Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng cảnh sát giao thông trên đường bộ đã xử lý 21.674 trường hợp xe chở quá khổ, quá tải với các chiêu trò: Lắp thành thùng xe không đúng với thiết kế, cải tạo, cơi nới kích thước thành thùng xe, sơn phần thùng cơi nới giống với màu sơn của xe; chế thêm phần cánh quạt lắp 2 bên thùng xe che phần cơi nới để chở quá tải…

Những xe chở quá khổ đã gây ra không ít hệ lụy, thậm chí chết người như vụ xảy ra ngày 4/6/2022 vừa qua, xe tải chở đất di chuyển đến Km 472+960 đường Hồ Chí Minh, thuộc địa phận xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình thì xảy ra va chạm với máy xúc, sau đó lật ngang, đè lên ô tô con. Đáng nói chiếc xe ô tô tải có kích thước thành thùng cao hơn 1,13m, tức chiều cao cơi nới gấp 2 lần so với chứng nhận đăng kiểm. Hậu quả 3 người trên chiếc ô tô con đã tử vong. Trước đó, ngày 28/9/2021, tại ngã 4 Cầu Ca, QL37, địa phận phố Cầu Ca, thuộc huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên cũng xảy ra một vụ tai nạn do xe quá tải gây ra khi ô tô con khiến tài xế ô tô con tử vong tại chỗ.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: Việc chở quá khổ, quá tải là một vấn nạn trong vận tải hàng hóa, đã xảy ra nhiều năm nay nhưng chưa khắc phục được và đã để lại hệ lụy rất nghiêm trọng, đặc biệt là mất an toàn giao thông. Việc cơi nới xe cao lên làm trọng tâm thay đổi nên rất dễ bị lật gây tai nạn, có thể đè lên các xe khác đang lưu thông. Cùng với đó, hệ thống phanh, lái bị hạn chế, thậm chí mất tác dụng. Tải trọng lớn đè lên các trục khiến đường giao thông dễ bị phá nát…

Hiện nay, việc xử lý hành vi cơi nới thành, thùng xe cững như chở hàng quá tải trọng cho phép của xe đã được quy định rất rõ và cơ quan chức năng cũng đã tăng cường tuần tra, xử phạt nhiều phương tiện vi phạm. Tuy nhiên, để ngăn ngừa triệt để hành vi này là điều không dễ. “Tình trạng xe quá khổ, quá tải vẫn ngang nhiên lưu thông, chắc chắn là có sự bảo kê” - ông Thanh khẳng định.

Để kiểm soát tải trọng xe cũng như ngăn ngừa việc chở quá tải, các ngành chức năng đã vào cuộc nhiều lần. Bộ Công an cũng đã quyết liệt kiểm tra xe quá tải hay Bộ Giao thông vận tải cũng đã có văn bản yêu cầu triển khai kế hoạch cao điểm kiểm tra, kiểm soát tải trọng xe trong phạm vi toàn quốc. Kiểm soát chặt chẽ các phương tiện từ nơi bốc xếp hàng hóa; đồng thời cần tiếp tục rà soát để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác kiểm soát tải trọng xe theo hướng đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào công tác kiểm soát tải trọng xe. Thế nhưng tình trạng xe quá khổ, quá tải vẫn tiếp diễn.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng hướng dẫn tuyên truyền điều tra giải quyết tai nạn giao thông – Cục Cảnh sát Giao thông – Bộ Công an cho rằng: Để giải quyết tận gốc vấn đề xử lý quá tải trên đường bộ của cảnh sát giao thông chỉ là phần ngọn mà vấn đề phải xử lý tận gốc. “Cần phải tính toán trong việc cho phép nhập khẩu, sản xuất phương tiện vận tải là xe thùng. Cùng với đó, công tác đăng kiểm, hậu kiểm cần hết sức chặt chẽ. Xe cơi nới thành thùng, xe quá tải cần phải có sự quản lý Nhà nước để ngăn chặn” – Đại tá Nhật nêu ý kiến.

Việc dẹp bỏ xe quá tải không phải quá khó, chỉ cần các cơ quan chức năng có thẩm quyền làm quyết liệt, xử lý thật nặng kẻ "bảo kê" là sẽ dẹp bỏ được nạn nâng thùng, chở quá tải trọng cho phép, từ đó sẽ không còn nỗi đau và cả sự tàn phá giao thông đường bộ từ các "hung thần xa lộ" gây ra./.

Mời quý vị và các bạn nghe nội dung cuộc trao đổi của PV VOV2 với các vị khách mời về nội dung này tại đây: