Những năm gần đây, các công trình xây dựng ngày càng nhiều trong khi các mỏ cát được cấp phép không đủ đáp ứng nhu cầu. Do lợi nhuận lớn, nên hiện nay hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép diễn biến phức tạp, với phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động, liều lĩnh, thường lựa chọn khai thác cát ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng giáp ranh để trốn tránh sự kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Nhiều địa phương đã tìm cách chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng này nhưng chỉ sau một thời gian, đâu lại hoàn đấy. Người dân hai bên bờ sông thì hoang mang, lo sợ một ngày nào đó, bờ sông sạt lở vì hoạt động khai thác cát trái phép, cuốn theo nhà cửa, tài sản, thậm chí cả tính mạng của bản thân và gia đình.

Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng đội cho biết: "Theo pháp luật hiện hành, hành vi khai thác cát trái phép là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Bởi theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật khoáng sản 2010 thì chỉ được khai thác khoáng sản khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Nếu cá nhân có hành vi khai thác cát khi không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thì tùy vào tính chất, mức độ mà người này có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự."

Cụ thể:

- Hành vi khai thác cát trên sông, hồ không đúng phương án thực hiện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận gây sạt, lở long, bờ, bãi sống gây ngập ứng nặng vùng đất ven sông thì bị phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng điểm a khoản 6 Điều 25 Nghị định 36/2020/NĐ-CP. Hình thức phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng

- Hành vi khai thác cát ở vùng nước nội thủy ven biển vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) hoặc vượt quá độ sâu cho phép khai thác có thể bị phạt tiền thấp nhất là 50 triệu hoặc cao nhất là 200 triệu đồng theo quy định tại khoản 8 Điều 37 Nghị định 36/2020/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 15 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP)

- Hành vi khai thác cát, sỏi lòng sông, suối, hồ vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) hoặc vượt quá độ sâu cho phép khai thác còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là: Buộc cải tạo, phục hồi môi trường; thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép khai thác về trạng thái an toàn. Đối với trường hợp khai thác cát, sỏi lòng sông, suối, hồ còn phải đền bù, trả kinh phí khắc phục, sửa chữa những hư hỏng của công trình đê điều, công trình hạ tầng kỹ thuật khác, công trình dân dụng do hành vi vi phạm gây ra. Buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp trong lĩnh vực khoáng sản do thực hiện vi phạm hành chính. Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định và đo đạc.

- Đối với hành vi khai thác cát mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan có thẩm quyền có thể bị xử phạt hành chính do vi phạm về khai thác cát, sỏi lòng sông, suối, hồ mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo đó, mức phạt tiền thấp nhất có thể áp dụng với cá nhân vi phạm là 20.000.000 đồng, cao nhất lên đến 200.000.000 đồng phụ thuộc vào phạm vi khai thác và khối lượng cát đã khai thác theo quy định tại Điều 48 Nghị định 36/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 23 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP.

- Ngoài ra, cá nhân vi phạm còn bị tịch thu toàn bộ khoáng sản được quy đổi thành tiền, tịch thu phương tiện sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

"Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 36/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP), thì mức phạt phạt đối với tổ chức (kể cả chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền của doanh nghiệp) gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân." - Luật sư Trần Xuân Tiền cho biết thêm.

Ngoài những quy định xử phạt hành chính, hành vi khai thác cát trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên theo quy định tại khoản 1 Điều 277 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Theo đó, các đối tượng này có thể bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 3 năm.

Trường hợp đối tượng có hành vi khai thác cát trái phép đã thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng trở lên; khai thác khoáng sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; gây sự cố môi trường; làm chết người hoặc gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên thì người này có thể bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm theo khoản 2 Điều này. Trong trường hợp hình phạt chính của người vi phạm là phạt tù thì người này còn có thể bị phạt tiền 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.

Đối với pháp nhân thương mại phạm tội thì có thể đối diện với mức hình phạt thấp nhất là phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng; cao nhất là phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm. Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Theo luật sư Trần Xuân Tiền, hành vi khai thác cát trái phép gây nên hậu quả sập nhà dân có đủ dấu hiệu cấu thành của Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên tại Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017). Theo đó, cá nhân, pháp nhân vi phạm sẽ bị xử lý hình sự. Riêng đối với hậu quả “làm sập nhà dân”, chủ thể thực hiện hành vi, gây ra hậu quả có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội danh Vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản theo quy định tại Điều 180 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 nếu giá trị tài sản bị thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên. Mức phạt thấp nhất đối với tội này là phạt cảnh cáo hoặc cải tạo không giam giữ đến 02 năm, cao hơn là bị phạt từ 03 tháng đến 02 năm tù giam, nếu giá trị của tài sản bị thiệt hại trên 500.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, do gây thiệt hại về tài sản, những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại căn cứ quy định tại Điều 584 và Điều 589 Bộ luật dân sự năm 2015. Chi phí bồi thường bao gồm thiệt hại do tài sản bị mất, hủy hoại hoặc hư hỏng; lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, hoặc giảm sút; chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại và thiệt hại khác.