Sáng 2/8, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh, trong đó nhấn mạnh, để hoàn thành mục tiêu tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 cho nhóm trẻ 5-11 tuổi trước khi vào năm học mới, các địa phương cần khẩn trương vận động, triển khai tiêm mũi 1 cho khoảng 4 triệu trẻ và mũi 2 cho khoảng 7,5 triệu trẻ. Như vậy, chỉ còn khoảng 1 tháng nữa, cả nước phải triển khai tiêm cho khoảng 11,5 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho nhóm trẻ từ 5-11 tuổi.

Tuy nhiên, theo TS Đặng Đức Anh – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, tính đến ngày 1/8, cả nước mới triển khai tiêm được hơn 12,2 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho nhóm tuổi từ 5 đến 11 tuổi. Trong đó mũi 1 chiếm khoảng 69,6% và mũi 2 mới chiếm khoảng 37,7%, đặc biệt một số địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đắc Lắc có tỷ lệ tiêm mũi 2 thấp, dưới 20%.

Kết quả tiêm vaccine phòng Covid-19 trong nhóm 5-11 tuổi:

-Mũi 1 là: 7.953.291 trẻ (đạt tỷ lệ 69,6%); tăng 0,2% so với ngày truớc đó; 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp là dưới 52% là: Hà Nội (51,1%); Hà Tĩnh (47,7%); Đà Nẵng (35,2%); Quảng Nam (39,1%); TP Hồ Chí Minh (43,8%).

-Mũi 2 là: 4.310.580 trẻ (đạt tỷ lệ 37,7%); tăng 0,3% so với ngày truớc đó; 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp là dưới 19% là: Hà Nội (17,8%); Đà Nẵng (14,7%); Quảng Nam (12,5%); Khánh Hòa (17,3%); Đắc Lắc (19,0%).

Lý giải về nguyên nhân của thực trạng này, ông Mai Văn Mười – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, từ cuối tháng 4 đến nay, địa phương chỉ ghi nhận 1 vài ca mắc Covid-19 với biểu hiện nhẹ, đặc biệt là nhóm trẻ em mắc Covid-19 hầu như không triệu chứng nên cha mẹ có tâm lý chủ quan. Thêm vào đó nhiều phụ huynh có quan điểm không đúng về phản ứng sau tiêm dẫn tới việc phụ huynh không muốn cho con đi tiêm. Đây là rào cản lớn nhất hiện nay khiến tỷ lệ tiêm ở Quảng Nam vẫn còn thấp.

Đắc Lắc cũng là một trong 7 địa phương gặp khó khăn khi triển khai tiêm vaccine trong nhóm nhỏ tuổi này. Theo ông Nguyễn Trung Thành – PGĐ Sở Y tế tỉnh Đắc Lắc, là tỉnh miền núi người dân có tập quán đưa cả nhà lên nương rẫy dài ngày nên khi cán bộ y tế tới truyền thông và tiêm chủng lại khó gặp được các đối tượng. Bên cạnh đó người dân có tâm lý so sánh giữa các biểu hiện nhẹ khi mắc Covid-19 với những phản ứng mệt mỏi, đau nhức cơ nặng nề sau tiêm vaccine và lựa chọn không tiêm cho đỡ mệt.

Theo đánh giá của các chuyên gia, tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 thấp ở nhóm tuổi từ 5-11 tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn và một bộ phận người dân tộc thiểu số. Nguyên nhân là do cha mẹ chưa hiểu đúng về tầm quan trọng của biện pháp phòng bệnh này. Do vậy để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng trong nhóm tuổi này cần thay đổi hình thức truyền thông và kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ. BS Nguyễn Huy Du - Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp Quốc tại Việt Nam chia sẻ: “Chúng ta cần thay đổi cách thức truyền thông để phù hợp, có thể truyền thông trực tiếp ngay tại cộng đồng…Cần đi từng nhà rà soát nhóm đối tượng để tổ chức tiêm tại cộng đồng có thể là trạm y tế, trường học, điểm tiêm lưu động…và để làm được công việc này thì cần hỗ trợ hơn nữa cho cán bộ làm công việc y tế dự phòng..”

Để tháo gỡ khó khăn về tiêm chủng ở nhóm trẻ từ 5-11 tuổi, hiện ngành y tế đã có sự phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục để rà soát cụ thể từng trẻ chưa tiêm vaccine phòng Covid-19, từ đó sẽ tổ chức truyền thông trực tiếp. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã có công văn trình Chính phủ đề xuất tăng phụ cấp cho nhân viên y tế lên mức tối đa, giúp họ đảm bảo cuộc sống và yên tâm công tác.

"Từ ngày 28/7 Bộ Y tế đã trình xin Chính phủ về chế độ phụ cấp cho cán bộ y tế dự phòng nâng phụ cấp từ 40-70 lên 100%....Khi có việc thì chúng ta kêu gọi anh em làm việc bất kể ngày đêm thì bây giờ chúng ta cũng cần khen thưởng, đảm bảo quyền lợi cho anh em…”, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thông tin tại Hội nghị.

Cũng theo bà Đào Hồng Lan, mặc dù dịch Covid-19 ở nước ta đã được khống chế, tuy nhiên sự xuất hiện của các biến chủng mới đang làm gia tăng số ca mắc, nếu không tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng dịch như khẩu trang, khử khuẩn, vaccine…thì nguy cơ dịch bùng phát lại hoàn toàn có thể xảy ra.