Theo TS.BS Nguyễn Thùy Linh - Phó trưởng khoa Dinh dưỡng & Tiết chế - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, vitamin C là vi chất dinh dưỡng có vai trò hình thành hệ miễn dịch tốt cho cơ thể và ngăn chặn sự xâm nhập của các loại virus, vi khuẩn. Ngoài ra, vitamin C còn là chất chống oxy hóa mạnh, giúp bảo vệ tế bào khỏi sự phá hủy do gốc tự do.

"Vitamin C có vai trò duy trì cấu chúc và chức năng của niêm mạc mũi và dạ dày. Đây là hàng rào cơ bản để giúp chống virus và vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Vitamin C còn giúp điều hòa phản ứng miễn dịch, ức chế hoạt động của các yếu tố tiền viêm và gây viêm. Do đó vitamin C có vai trò bảo vệ đường hô hấp, đặc biệt hạn chế diễn biến nặng của các bệnh đường hô hấp." BS Nguyễn Thùy Linh phân tích.

Vitamin C rất giàu trong các loại trái cây như bưởi, cam, chanh. Trong 100g bưởi có tới 90 mg vitamin C. Bên cạnh đó, những thực phẩm khác như ớt chuông, kiwi, ổi…cũng chứa nhiều vitamin C.

Vitamin D cũng là một trong các vi chất dinh dưỡng khuyến cáo nên dùng trong thời điểm hiện nay. Bởi vitamin D có tác dụng ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm của các loại virut. Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng vitamin D có khả năng hạn chế sự sao chép nhân lên của virus. Tuy nhiên, với khẩu phần ăn hàng ngày chỉ đáp ứng được 10-20% nhu cầu vitamin D cần thiết. Do vậy, BS Nguyễn Thùy Linh khuyến cáo, nên tận dụng ánh nắng mặt trời hoặc bổ sung qua chế phẩm với liều dùng người trưởng thành là 800 đơn vị/ngày. Ngoài việc bổ sung chế phẩm thì vitamin D có nhiều trong một số các loại cá như cá chép, cá chắm, lươn, trứng, sữa…...

Bên cạnh đó, kẽm là một chất khoáng vi lượng giúp kích thích sự phát triển của các tế bào lympho T và lympho B, từ đó tăng cường hệ thống miễn dịch giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh, tăng cường đề kháng và chống lại nhiễm trùng. Kẽm cũng giúp cơ thể nhanh hồi phục khi bị cúm.

BS Nguyễn Thùy Linh cho biết: “Nhiều nghiên cứu đã công bố vai trò của kẽm trong việc tăng cường miễn dịch và cũng được sử dụng điều trị cho những bệnh nhân bị viêm phổi và rối loạn tiêu hóa trong nhiều thập kỷ qua. Nguồn thực phẩm chứa kẻm gồm hải sản (hàu, tôm, cua), thịt bò, hạt hồ dê, đậu nành…”

Một chế độ ăn đa dạng, đảm bảo đủ nhu cầu về năng lượng và các chất dinh dưỡng sẽ giúp tăng sức đề kháng và giảm nguy cơ nhiễm cúm. Cụ thể, nhu cầu năng lượng từ ngũ cốc chiếm 55-65% (tổng năng lượng khẩu phần), các nhóm còn lại như chất béo chiếm 20-25% và 15-20% là từ chất đạm. Riêng với rau xanh và trái cây chín, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, nên ăn từ 400-600 gram/ngày đối với người trưởng thành.