Theo các chuyên gia dinh dưỡng và ẩm thực, mùa hè thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virus phát triển dẫn đến gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Thêm vào đó, những hành vi không bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm cũng góp phần gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm. Chính vì vậy, người dân cần thực hiện một số nguyên tắc để phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong giai đoạn này.

Theo nghệ nhân ẩm thực Lê Công Yên, để tránh ngộ độc thực phẩm và nâng cao chất lượng đồ ăn thì việc bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh là rất quan trọng. Tuy nhiên, không phải cứ cho thực phẩm vào tủ lạnh là sẽ đảm bảo an toàn. Điều cần làm khi sử dụng tủ lạnh để bảo quản thực phẩm đó là nắm rõ các nguyên tắc.

“Nguyên tắc đầu tiên là phải lên lịch để vệ sinh tủ lạnh, nên làm một lần/ tuần hoặc 2 lần trong 1 tháng. Nguyên tắc thứ hai là phải phân loại đồ ăn, đồ ăn chín không để chung với đồ tươi sống và với củ quả cũng vậy, vì mỗi loại đồ ăn sẽ cần một nhiệt độ khác nhau. Thứ ba là cần để thực phẩm vào các hộp đựng có nắp đậy để tránh lây nhiễm chéo vi khuẩn giữa các loại thực phẩm. Đặc biệt, cần ghi rõ loại thực phẩm, ngày đóng hộp và chế biến để cả gia đình có thể nắm rõ các thông tin. Ngoài ra, thực phẩm chín lấy ra từ tủ lạnh cần được đun nóng lên”- nghệ nhân Lê Công Yên cho biết.

Nghệ nhân Lê Công Yên chia sẻ, thực phẩm chín khi kết hợp với các loại gia vị thì phần nào khó có thể tự phân hủy mà nó thường bị hỏng là do vi khuẩn tác động và xâm nhập từ bên ngoài vào. Thông thường, thực phẩm đã nấu chín bằng nhiệt sẽ bảo quản được lâu hơn. Thế nhưng, kể cả khi thực phẩm đã được nấu chín và kết hợp với gia vị thì việc để ở bên ngoài trong thời tiết oi nóng là điều không khả thi. Vì thế, việc bảo quản trong tủ lạnh sẽ an toàn hơn rất nhiều.

Để tránh gây hại cho đường ruột, nghệ nhân ẩm thực Lê Công Yên khuyến cáo, thực phẩm chín để trong tủ lạnh không được quá 2 ngày, khi lấy thực phẩm từ tủ lạnh ra cần được đun nóng trước khi sử dụng.

“Đặc biệt với những người yếu bụng thì không nên ăn thực phẩm vừa lấy từ tủ lạnh ra. Những món ăn có nhiều sốt thì không nên để quá 24 giờ. Với những thực phẩm cần rã đông thì chúng ta nên rã đông một cách từ từ, tức là lấy từ ngăn đông để lên ngăn mát tủ lạnh, sau đó chế biến khi quá trình rã đông đã thực sự hoàn thiện. Không nên xả nước trực tiếp vào thực phẩm để rã đông bởi điều này sẽ làm mất chất của thực phẩm. Cần lưu ý là thực phẩm đã rã đông rồi thì không nên cấp đông lại” – ông Yên chia sẻ.

Bên cạnh, bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh, người nội trợ vẫn có thể bảo quản thực thẩm trong môi trường nhiệt độ phòng. Vậy, đâu là cách để chúng ta có thể giữ thực phẩm lâu hỏng trong môi trường này?

Nghệ nhân Lê Công Yên nhấn mạnh, đa phần thực phẩm đều nên bảo quản từ 5-24 độ C tùy từng loại. Có những thực phẩm để được ở bên ngoài nhưng phải đảm bảo môi trường thực sự thoáng mát và nhiệt độ không quá 27 độ C.

“Các thực phẩm để ở môi trường phòng thường là thực phẩm chứa nhiều tinh bột như khoai tây, khoai lang, khoai môn, khoai sọ, hoặc các loại rau củ quả như bí ngô, bí xanh, bầu, hành tây… nhưng với điều kiện là còn nguyên vẹn, còn nếu chúng ta đã cắt ra rồi thì cũng không để được lâu”- ông Yên nói.

Chuyên gia lưu ý, để đảm bảo an toàn, trong quá trình chế biến, bề mặt bếp không để vương vãi thực phẩm, tránh các loại công trùng. Bàn tay khi chế biến cũng phải luôn luôn sạch sẽ. Nguồn nước quyết định đến chất lượng và độ an toàn của thực phẩm, do vậy, thực phẩm có để được lâu hay không cũng phụ thuộc vào nguồn nước sạch khi sơ chế và nấu nướng.

“Để đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe choa bản thân và gia đình, mỗi người nên tự trang bị thêm kiến thức bảo quản thực phẩm từ các chuyên gia hoặc tài liệu của Bộ Y tế hoặc qua các kênh truyền thông chính thống”- Nghệ nhân ẩm thực Lê Công Yên khẳng định.