Theo các tài liệu y khoa, ca bệnh đầu tiên được phát hiện trên khỉ là vào năm 1958. Đến năm 1970 mới xuất hiện ca bệnh đầu tiên trên người và chỉ giới hạn ở khoảng chục quốc gia Châu phi. Nhưng từ đầu tháng 5 đến nay virus gây bệnh đậu mùa khỉ đã bùng phát và lây lan nhanh ra nhiều nước trước đó chưa từng ghi nhận có ca mắc.

Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Thái ở Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh đậu mùa khỉ sẽ lây khi người chưa có miễn dịch tiếp xúc với virus qua vết cắn của động vật bị nhiễm. Các loài động vật lây truyền bệnh là động vật gặm nhấm như linh trưởng, khỉ, vượn. Cách lây nhiễm thứ 2 là tiếp xúc với dịch cơ thể, đặc biệt là dịch của các vết đậu ở người nhiễm bệnh. Bên cạnh đó nhiều đồ vật bị nhiễm dịch từ vết đậu, từ cơ thể của người bị nhiễm cũng là vật trung gian gây bệnh…

Sau một thời gian ủ bệnh từ 1 đến 2 hoặc 3 tuần, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như sốt, đau đầu, mỏi người, có thể sưng hạch ở nhiều bộ phận trên cơ thể như nách, cổ, sau đó sẽ xuất hiện các nốt đậu.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái lưu ý, hạt đậu lúc mới xuất hiện sẽ chưa phồng rộp, 1 vài ngày sau đó mới nổi gồ lên, bên trong có nước, sau đó nước đục dần gọi là mụn mủ, khô lại và đóng vảy. "So với nốt đậu ở người bị bệnh thủy đậu thì mụn đậu ở bệnh đậu mùa khỉ tổn thương sâu hơn và thường tập trung nhiều ở trên mặt, lòng bàn tay, bàn chân, ở trong miệng, mắt và bộ phận sinh dục".

Những dịch cơ thể có khả năng lây truyền được virus gây bệnh đậu mùa khỉ là dịch tiết đường hô hấp, tiêu hóa, tuy nhiên chưa phát hiện virus gây bệnh ở trong tinh dịch cũng như dịch tiết âm đạo. Virus cũng có thể qua hàng rào nhau thai do vậy bệnh có thể lây truyền từ mẹ sang con trong thai kỳ.

Tuy nhiên bác sĩ Nguyễn Quốc Thái nhấn mạnh, so với cúm hay Covid-19 thì bệnh đậu mùa khỉ khó lây hơn, thời gian ủ bệnh dài từ 2 đến 3 tuần là cơ hội để cơ quan y tế giám sát, truy vết cắt đứt đường lây.

Vậy phòng tránh, bảo vệ bản thân trước bệnh đậu mùa khỉ như thế nào?

Nguyên tắc đầu tiên là hạn chế tiếp xúc. Những người nghi ngờ nhiễm bệnh cần phải đến ngay cơ sở y tế. Nếu phát hiện bệnh phải tự khai báo, tự cách ly và tránh tiếp xúc trực tiếp, che phủ những vùng lên đậu bằng quần áo, khăn hoặc găng tay. Tránh tiếp xúc trực tiếp da kề da, khi phải sờ, chạm vào người bệnh phải dùng găng. Thường xuyên vệ sinh tay bằng xà phòng và nước hoặc dung dịch cồn sát khuẩn. Việc làm sạch tay là quan trọng để mầm bệnh không bám dính vào tay trung chuyển cho người khác. Quần áo của người nhiễm phải được giặt bằng bột giặt, tốt nhất nên giặt bằng nước ấm. Bề mặt xung quanh người nhiễm cần được làm sạch vì chất thải, băng gạc là yếu tố trung gian lây truyền virus..

Bệnh đậu mùa khỉ hiện đã có vaccine, tuy nhiên WHO không khuyến cáo tiêm chủng đại trà.