Chị N.T.L.H ở tỉnh Đồng Tháp, mang thai lần 3 nhưng không khám thai định kỳ. Giữa tháng 1/2023, chị H. bị đau bụng thượng vị, buồn nôn nhiều, nôn dịch trong, không sốt, không ra huyết âm đạo, đi khám và được phẫu thuật lấy thai cấp cứu với diễn tiến suy hô hấp tại một cơ sở y tế. Hậu phẫu, người bệnh có triệu chứng đau bụng, ói, men tuỵ tăng cao, được hội chẩn và ngay lập tức được chuyển về Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc (ICU) Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Tại khoa ICU, kết quả chụp CT- Scan bụng chẩn đoán xác định chị H. bị viêm tụy cấp nặng (grade E theo Balthazar) do tăng triglyceride, suy hô hấp, đái tháo đường típ 2, hậu phẫu lấy thai. Các bác sỹ điều trị hồi sức tích cực với kháng sinh phối hợp, nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch, kiểm soát đường huyết, thăng bằng kiềm - toan và điện giải, dự phòng thuyên tắc huyết khối song song với lọc máu liên tục (CRRT) với màng lọc hấp phụ. Đến ngày 16/1, chị H tỉnh táo, được rút nội khí quản, cai máy thở.

Sau đó chị H. được chuyển lên khoa Nội Tiêu hoá để tiếp tục theo dõi, truyền albumin song song với tập ăn trở lại với nước maltose, nước cháo loãng, kiểm soát đường huyết bằng insulin tiêm dưới da, hạ mỡ máu. Sau gần 1 tuần điều trị tại bệnh viện, chị H. được xuất viện với tình trạng sức khoẻ ổn định, vết mổ lành tốt, hết triệu chứng đau bụng và nôn ói, đã ăn uống lại được một số loại thức ăn, bilan nhiễm trùng trở về bình thường.

Qua trường hợp này, ths.BS Nguyễn Ngọc Tường Vy – Bác sĩ điều trị khoa Nội Tiêu hoá khuyến cáo: “Các thai phụ nên khám thai định kỳ theo lịch khám thai để tầm soát và phát hiện sớm những tình trạng rối loạn chuyển hóa tiềm ẩn như đái tháo đường thai kỳ, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp... Khi có những triệu chứng bất thường như đau bụng vùng thượng vị hoặc hạ sườn trái đột ngột với cường độ cao, có thể lan sau lưng kèm với buồn nôn, nôn ói nhiều, không nên chủ quan mà cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và phát hiện kịp thời, nhằm giảm thiểu mức độ nặng của bệnh.”