Để có thuốc khẩn cấp điều trị ngộ độc botulinum, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã chỉ đạo Cục Quản lý dược nhanh chóng làm việc với các bộ phận liên quan của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các cơ quan chức năng của Việt Nam.

Đến chiều 23/5, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đã có buổi làm việc trực tiếp với văn phòng WHO tại Hà Nội và ngay sau đó WHO đã quyết định viện trợ khẩn cấp thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) cho các bệnh nhân đang được điều trị tại các bệnh viện ở TP.HCM.

Sau đó 1 ngày, 6 lọ thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent được gửi từ kho của WHO tại Thụy Sĩ đã về đến TP.HCM kịp thời điều trị các bệnh nhân ngộ độc botulinum.

Trước đó, ngày 13/5 cả ba người bao gồm hai anh em ruột (18 tuổi và 26 tuổi) có ăn bánh mì kẹp chả lụa của người bán dạo. Người còn lại là nam 45 tuổi, đã ăn một loại mắm để lâu ngày.

Sau khi ăn xong, đến ngày 14/5, cả ba bệnh nhân đều có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, đau đầu, choáng váng, tiêu chảy… Các bệnh nhân tiến triển nặng hơn dẫn đến yếu cơ, khó nuốt... và được chẩn đoán ngộ độc botulinum.

Hiện các bệnh nhân đang thở máy, điều trị tích cực chờ thuốc giải độc botulinum. Với sáu lọ thuốc BAT được viện trợ, các bác sĩ kỳ vọng sẽ cứu được các bệnh nhân.

Theo Bộ Y tế, ngộ độc botulinum là ngộ độc do nhiễm độc tố vi khuẩn Clostridium botulinum. Nguyên nhân chính là do người bệnh nhiễm độc tố vi khuẩn trong thực phẩm kém chất lượng. Do bệnh này rất hiếm xảy ra nên nguồn cung đối với thuốc chữa bệnh thuốc BAT trên thế giới cũng rất hiếm. Vì vậy, đây là thuốc không dễ chủ động về nguồn cung. Bên cạnh đó giá của thuốc này cũng rất cao.

Trước đó, năm 2020 để phục vụ các ca nhiễm độc tố botulinum do sử dụng patê chay có chứa độc tố, WHO đã hỗ trợ 10 lọ thuốc BAT (A,B,C,D,E,F,G) – (Equine). Lô thuốc này đã góp phần kịp thời cứu chữa nhiều bệnh nhân ngộ độc botulinum

Độc tố Botulinum có bảy type gồm A, B, C, D, E, F, G. Thế giới hiện có ba loại thuốc giải độc tố này. Hai loại có tác dụng với một số type nhất định, riêng thuốc BAT có thể giải độc cho cả bảy type.

Một trường hợp ngộ độc Botulinum nếu sử dụng thuốc BAT sớm thì chỉ trong vòng 48 đến 72 tiếng là bệnh nhân có khả năng thoát ra khỏi tình trạng bị liệt, và cũng không phải thở máy.