Sáng nay, được sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế phối hợp Bộ Ngoại giao tổ chức Lễ mít tinh trọng thể hưởng ứng Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh với chủ đề “Tăng cường quản lý nhóm nguy cơ”. Sự kiện này là một trong số các hoạt động nhằm mang đến thông điệp về việc ngăn ngừa những người thuộc nhóm nguy cơ bị nhiễm Covid-19 thông qua tiêm chủng đầy đủ, phát hiện sớm người thuộc nhóm nguy cơ nhiễm Covid-19 để kịp thời điều trị, nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Đây là vấn đề cấp thiết trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh hiện nay.

Phát biểu khai mạc lễ mít tinh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, trong năm 2021, đợt bùng phát dịch thứ tư với sự xuất hiện của biến thể Delta đã đảo ngược các thành quả trong công tác phòng chống dịch trước đó. Tuy nhiên, Việt Nam đã chuyển hướng chiến lược phòng chống Covid-19 từ “không ca mắc” sang thực hiện mục tiêu kép, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vì mục tiêu cao nhất là bảo vệ tính mạng, sức khỏe nhân dân. Chiến lược này đã giúp kiểm soát dịch bệnh, phục hồi kinh tế-xã hội, từng bước ổn định đời sống người dân.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thực hiện thành công chiến dịch tiêm chủng vaccine miễn phí quy mô chưa từng có trong lịch sử. Đến ngày 25.12, gần 100% dân số từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm 1 liều và hơn 80% được tiêm 2 liều. Hiện các địa phương vẫn tiếp tục tăng cường bao phủ vaccine theo đúng mục tiêu của Chính phủ đề ra.

“Các địa phương tổ chức thực hiện tiêm chủng an toàn, nhanh nhất có thể, thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 lưu động ngay tại nhà, không để sót, đặc biệt người có bệnh nền, người trên 50 tuổi; đến ngày 31/12/2021 phải hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12-18 tuổi trong tháng 01/2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong Quý I/2022”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

Với chủ đề “Tăng cường quản lý nhóm nguy cơ”, ngày quốc tế Phòng chống dịch bệnh năm nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đặc biệt yêu cầu các địa phương thực hiện quản lý chặt chẽ nhóm nguy cơ cao trên địa bàn; tổ chức rà soát, lập danh sách, thống kê tất cả những người thuộc nhóm nguy cơ cao; tổ chức tiêm vét vacicne, bảo đảm không bỏ sót người thuộc nhóm nguy cơ; tổ chức chăm sóc và điều trị người mắc Covid-19 thuộc nhóm nguy cơ cao ngay khi phát hiện mắc Covid-19.

Liên quan đến nội dung này, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó giám đốc Sở Y tế TP. HCM cho biết, thành phố đã triển khai “Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ” nhằm tập trung nguồn lực bảo vệ sức khỏe cho người trên 65 tuổi và người có bệnh nền, hạn chế thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong do Covid-19, giai đoạn đầu của chiến dịch bắt đầu từ ngày 07/12/2021 đến ngày 31/12/2021.

Sau 20 ngày triển khai chiến dịch, TP đã ghi nhận một số kết quả như sau: Các quận, huyện đã lập danh sách được 603.385 người thuộc nhóm nguy cơ (người trên 65 tuổi và người có bệnh nền). 504.418 người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, 61.779 người tiêm 01 mũi vaccine và 37.188 người chưa tiêm vaccine. Tất cả Trung tâm Y tế đang khẩn trương thuyết phục và triển khai tiêm vaccine ngay cho những người thuộc nhóm nguy cơ, trường hợp người thuộc nhóm nguy cơ gặp khó khăn trong đi lại sẽ triển khai các đội tiêm tại nhà. Sau 20 ngày triển khai chiến dịch qua thực hiện xét nghiệm nhanh tầm soát đã phát hiện 5.101 người có kết quả (+) và kịp thời được điều trị ngay với thuốc kháng vi rút (Molnupiravir).

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho biết, các hoạt động kỷ niệm ngày 27/12 cho thấy rõ hơn tầm quan trọng của việc nâng mức độ sẵn sàng để có thể ứng phó nhanh hơn và phù hợp hơn với bất kỳ dịch bệnh nào có thể phát sinh. Điều này cũng đòi hỏi sự cấp thiết xây dựng các hệ thống y tế hiệu quả, có thể phục vụ đến cả những người dễ bị tổn thương, có khả năng thực hiện hiệu quả Điều lệ Y tế quốc tế năm 2005.