Cụ thể, bệnh nhân V.T.P (Nam, 17 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhập viện với biểu hiện sốt cao ngày thứ 4 không giảm, tức ngực, khó thở. Sau khi xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốt xuất huyết Dengue giảm tiểu cầu, tràn dịch màng phổi, màng bụng. Hiện tại, sau 3 ngày nhập viện bệnh nhân không sốt, không chảy máu cam chân răng, ban xuất huyết rải rác dưới da, đỡ chóng mặt, đỡ khó thở.

Theo TS Nguyễn Đăng Mạnh, Chủ nhiệm khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm – Bệnh viện TWQĐ, bất cứ ai cũng có thể mắc sốt xuất huyết Dengue, nguy cơ tử vong và biến chứng nặng cao nếu không được phát hiện và điều trị tốt. Diễn biến bệnh rất nhanh, biến chứng xuất hiện đột ngột có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không được can thiệp y tế.

Đến nay chưa có thuốc đặc trị điều trị sốt xuất huyết Dengue, bệnh nhân chủ yếu được điều trị triệu chứng, nâng cao miễn dịch và sức khỏe chống lại bệnh. Do vậy khi có các dấu hiệu như: cảm thấy khó chịu hơn mặc dù đã giảm sốt hoặc hết sốt, tay chân lạnh, ẩm, mệt lả, bứt rứt, biểu hiện hành vi thay đổi như lú lẫn, tăng kích thích, vật vã hoặc li bì; nôn nhiều, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Với phụ nữ có thể chảy máu dù không phải kinh nguyệt hay rong kinh; đại tiện phân đen, đi ngoài phân lẫn máu; đau bụng đau không rõ nguyên nhân, đau đầu, không đi tiểu trên 6 giờ, vật vã, li bì hoặc có dấu hiệu xuất huyết... cần đưa ngay bệnh nhân tới bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.

Ở giai đoạn này, người bệnh nên hạn chế đi lại, nên nằm nghỉ tại giường, uống nhiều nước lọc, nước hoa quả, oresol. Ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, đảm bảo dinh dưỡng; thức ăn nên để nguội, không quá nóng.

Không nên ăn những thực phẩm có màu nâu đỏ, nâu đen để tránh bị nhầm lẫn với những dấu hiệu của xuất huyết đường tiêu hóa. Không đánh răng, nên súc miệng, họng bằng nước muối sinh lý hoặc nước súc miệng.

Nếu điều trị ngoại trú, người bệnh cần được theo dõi kỹ để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bệnh trở nặng hoặc tình trạng bệnh không được cải thiện.