Khi cha mẹ không buông xuôi, chấp nhận số phận

Khi con được gần 2 tuổi, thấy bé chậm nói hơn các bạn, hai vợ chồng chị Thanh Hương ở Hà Nội đã đưa con đi khám được bác sĩ thông báo bé bị khiếm thính. Vượt qua những cảm xúc suy sụp, tuyệt vọng ban đầu, không muốn con phải sống trong sự câm lặng, chị đã đưa con đến bác sĩ chuyên khoa thính học để tìm cách chữa trị cho con. Sau khi được bác sĩ thăm khám và chỉ đinh đeo máy trợ thính, chị Hương bắt đầu dạy con học nói. Tuy nhiên, suốt 6 tháng, cháu không hề tương tác bằng ngôn ngữ với mẹ khiến chị Hương hoang mang, không hiểu vì sao. Đưa con đi kiểm tra, bác sĩ cho biết thiết bị trợ thính hoạt động rất tốt nhưng do cháu chưa tích lũy đủ ngôn ngữ để giao tiếp với mẹ và những người xung quanh. Do đó, cần sự tiếp tục kiên trì, nỗ lực của cha mẹ và người thân. Chị Hương đã xin nghỉ việc để dành thời gian bên con. Hàng ngày, chị nói chuyện liên tục với con, dạy con phát âm và dần dần bé đã nghe nói, trò chuyện với mọi người. Đến nay, con của chị Hương đã học lên bậc trung học phổ thông và hòa nhập tốt với xã hội.

Không may sinh con mắc hội chứng Down, anh Hữu Vinh ở Hà Nội cũng từng rơi vào trạng thái tuyệt vọng và suy sụp tinh thần. Nhưng khi nhìn đứa con ngoan ngoãn, ngây thơ, anh đã dần bình tâm lại và tìm hiểu kỹ hơn về hội chứng này và bắt đầu quá trình can thiệp cho con từ rất sớm đồng thời cho con đi học hòa nhập như những trẻ bình thường khác. Anh cũng kiên trì dạy con các kỹ năng như học nói, tập đếm, nhận biết đồ vật xung quanh, tự làm các công việc để phục vụ bản thân như xúc cơm ăn, mặc quần áo, đi giày dép … Anh cho biết, nếu với trẻ bình thường thì chỉ cần dạy một vài lần nhưng với trẻ bị down thì cần dạy đi dạy lại hàng chục lần. Chính bé Kem lại là người rèn luyện cho anh tính kiên trì, nhẫn nại. Cho đến nay, bé Kem phát triển rất tốt, có thể tự chủ được trong sinh hoạt và cuộc sống hàng ngày.

Cha mẹ nên làm gì để giúp trẻ khuyết tật phát triển khả năng và hòa nhập xã hội?

Con sinh ra, dẫu không hoàn hảo như những trẻ khác nhưng chị Hương, anh Vinh không buông xuôi, chấp nhận số phận. Bởi mỗi đứa trẻ đều có những khả năng nhất định, cần được cha mẹ nhận ra và giúp con phát huy để có cuộc sống gần như bình thường và không trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều bậc cha mẹ không may sinh con bị khuyết tật không biết làm thế nào và bắt đầu từ đâu để giúp trẻ được can thiệp, điều trị. Thậm chí có bậc cha mẹ coi như đó là định mệnh của trẻ và gia đình, tránh né, mặc cảm, không đưa trẻ đi chữa trị sớm làm mất cơ hội và thời gian vàng trong điều trị. Theo bà Trần Thị Thiệp – Nguyên Phó trưởng khoa Giáo dục đặc biệt - Đại học Sư phạm Hà Nội – khi sinh con không hoàn hảo như những trẻ khác, các bậc cha mẹ đừng vội bỏ mặc cho số phận mà hãy tìm cách can thiệp để nâng cao chất lượng cuộc sống cho các bé.

“Trước hết cha mẹ cần đưa con đến những cơ sở chuyên môn liên quan đến khuyệt tật hoặc khó khăn của bé như bệnh viện nhi hoặc các bệnh viện chuyên khoa để các bác sĩ và các nhà chuyên môn có thể tư vấn cho cha mẹ nên đi đâu và can thiệp như thế nào? Cha mẹ nên suy nghĩ con mình hoàn toàn có những khả năng chứ không có trẻ nào là vô dụng. Ví dụ trẻ câm điếc nhưng trí tuệ của các bé vẫn bình thường và nếu cháu được can thiệp sớm thì vẫn có thể đi học, hòa nhập vào xã hội.” - bà Trần Thị Thiệp hướng dẫn.

Đặc biệt, việc can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phục hồi chức năng cũng như phát triển các khả năng và hòa nhập xã hội của bé. Càng can thiệp sớm bao nhiêu thì hiệu quả đạt được càng tốt bấy nhiêu.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có định hướng về giáo dục hòa nhập cho trẻ bị khuyết tật nên các bậc cha mẹ hoàn toàn yên tâm là con có thể được đi học ở các cơ sở giáo dục bình thường. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc dạy dỗ, hướng dẫn trẻ các kỹ năng để con học hòa nhập. Nuôi một đứa con bình thường đã vất vả, dạy dỗ một trẻ khuyết tật lại càng gian nan. Do đó, rất cần sự kiên trì, nhẫn nại của các bậc cha mẹ.

Còn theo bà Trần Thị Thu Hà – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, không chỉ các con cần được can thiệp, giáo dục hòa nhập từ sớm mà các bậc cha mẹ cũng cần học cách nuôi dạy trẻ đặc biệt để giúp con phát triển. Bản thân cha mẹ cũng cần phải chuẩn bị tâm lý, vượt qua cảm giác sợ hãi, xấu hổ muốn giấu diếm những khuyết tật của con. Cha mẹ cũng nên tham gia các buổi sinh hoạt với cộng đồng các phụ huynh có trẻ bị bệnh tương tự để có thể chia sẻ những kinh nghiệm và học tập lẫn nhau… Đồng thời cha mẹ không nên ủy thác hoàn toàn việc dạy dỗ con cho trường học và thày cô giáo.

“Con đến với chúng ta là một cái duyên của cuộc đời và chúng ta cần chăm sóc nuôi dạy con. Cha mẹ đừng vì thấy con chậm tiến bộ mà nản lòng bởi vì đến thời điểm nhất định tất cả những nỗ lực của chúng ta sẽ được đền đáp, con sẽ tiến bộ và con sẽ có một cuộc sống hòa nhập…” – bà Thu Hà chia sẻ.