Theo TS.BS Phạm Thị Thúy Hòa, mỗi chiếc bánh nướng, bánh dẻo đều có đầy đủ 4 nhóm chất: tinh bột đường, chất béo, đạm và nhóm vitamin, khoáng chất; trong đó nhóm tinh bột đường, chất béo và đạm cung cấp nhiều năng lượng nhất. Tuy nhiên, người tiêu dùng lại rất khó có thể tính được đã ăn bao nhiêu calo trong mỗi chiếc bánh trung thu. “Trước đây có thể nói là thành phần tinh bột hay đường trong một chiếc bánh trung thu chiếm tới 2-3 bát cơm nhưng bây giờ trên thị trường có vô vàn loại bánh trung thu mà chúng ta không thể tính nổi bằng mấy bát cơm bởi mỗi loại bánh trung thu bây giờ họ sản xuất không hướng tới độ ngọt nhiều mà hướng tới sự đa dạng thực phẩm trong một miếng bánh. Ưu điểm của nó là cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho mình nhưng khó khăn là kiểm soát VSATTP và cân đối giữa các chất dinh dưỡng trong một chiếc bánh” – TS.BS Phạm Thị Thúy Hòa cho biết lý do.

Vì vậy, TS.BS Phạm Thị Thúy Hòa hướng dẫn chúng ta có thể tính lượng Kcalo trong một chiếc bánh trung thu dựa theo cách: 1gr thịt cá trứng sẽ cho 4Kcalo; 1gr chất béo như mỡ, dầu ăn cho 9Kcalo và 1gr tinh bột như bột mì, bột gạo sẽ cho khoảng 4Kcalo.

Một số dẫn chứng mà TS.BS Phạm Thị Thúy Hòa đưa ra cho thấy năng lượng trong một chiếc bánh trung thu nhiều đến cỡ nào. “Bánh trung thu, chất đạm nhiều lắm. Trong bánh trung thu có cả nạp xưởng, trứng, thịt giống như thịt xá xíu, hay nói cách khác đạm động vật không thấp. Đó là chưa kể đến các thành phần khác có trong bánh trung thu như hoa quả, ngũ cốc… Tính toán thế nào là điều khó bởi hiện nay, trên thị trường có những loại bánh trung thu được bán không bảo đảm về VSATTP, thông tin về tổng năng lượng, chất béo, chất đạm… không rõ ràng. Người tiêu dùng nếu ăn nhiều sẽ dẫn đến sự mất cân bằng dinh dưỡng, gan phải làm việc nhiều hơn để loại bỏ bớt chất dư thừa trong cơ thể.

Vì vậy, người tiêu dùng nên biết chọn thành phần của bánh và thưởng thức bánh đúng cách để không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ăn bánh trung thu với lượng vừa phải, đưa vào thực đơn trong bữa phụ

Nguyên tắc bữa ăn phụ đối với bữa ăn của mỗi người sẽ bảo đảm 10% tổng năng lượng của cơ thể người. Ví dụ như người trưởng thành thì tổng năng lượng theo nhu cầu là 1800 Kcalo. Vậy thì bánh trung thu chỉ nên ăn đủ 180 Kcalo thôi. Ăn vừa phải để cơ thể không bị quá tải bởi các chất dinh dưỡng đi vào ồ ạt mà không có sự kiểm soát.

Ăn bánh trung thu kèm với trái cây

Theo TS.BS Phạm Thị Thúy Hòa, bưởi giúp giải độc tố của gan tốt, hồng và nhiều loại quả khác đều cung cấp lượng vitamin và khoáng chất, bảo đảm hấp thu chất dinh dưỡng tốt. Do vậy, khi ăn bánh trung thu, người dùng nên ăn kèm với trái cây, nước ép hoa quả.

Ăn bánh trung thu uống kèm với trà mạn

Ăn bánh trung thu kèm trà mạn. Đó là thói quen tốt bởi TS.BS Phạm Thị Thúy Hòa cho rằng trà mạn sẽ giúp cho chúng ta phân hủy bớt chất béo và chất bột đường có trong bánh trung thu. “Uống trà mạn là một trong những phương pháp làm chúng ta đỡ cảm thấy ngấy khi ăn bánh trung thu. Ngoài ra vitamin nhóm B có trong trà mạn sẽ giúp cho quá trình chuyển hóa tốt hơn trong cơ thể”.

Bệnh nhân đái tháo đường cũng có thể ăn bánh trung thu nhưng tốt nhất nên chọn loại bánh dùng đường ăn kiêng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là có thể ăn được thoải mái mà nên ăn lượng vừa phải.

Bệnh nhân đái tháo đường ăn trái cây trước khi ăn bánh trung thu

Bệnh nhân đái tháo đường thì gan bị ngộ độc, không làm được nhiệm vụ giúp tuyến tụy tiết ra insulin. Do đó muốn ăn bánh trung thu có đường thì người bị đái tháo đường phải ăn cái gì trước đó để nuôi gan như trái cây: chuối, táo, xoài, nho, thanh long, đu đủ… Người bị bệnh đái tháo đường không thể ăn bánh trung thu thoải mái được” – TS.BS Phạm Thị Thúy Hòa khuyến cáo.