Thức ăn đường phố vốn đã trở thành một nét đặc trưng của các địa phương trên cả nước. Từ các đô thị lớn - nhỏ, đến các thị trấn, phố huyện nơi nào cũng có những quán ăn. Thậm chí, chỉ là những gánh hàng nhỏ cơ động cũng thu hút được rất nhiều thực khách. Anh Phùng Chí Tân- 40 tuổi- một cư dân tại Hà Nội vốn đã quá quen với việc sử dụng thức ăn đường phố, tuy không phải lúc nào cũng an tâm nhưng đôi khi anh Tân vẫn phải tặc lưỡi khi nghĩ về chất lượng thực phẩm hè phố. " Vệ sinh trong các quán hàng nói chung cũng không được sạch sẽ lắm, đôi khi sau đó cũng bị đau bụng, tiêu chảy…"
Dù ai cũng lo lắng về nguy cơ có thể xảy ra ngộ độc thực phẩm nhưng việc sử dụng thức ăn đường phố thì không thể từ bỏ như trường hợp chị Hoàng Lê Vân, có 2 con nhỏ trong độ tuổi học đường, chị Vân vẫn thỉnh thoảng phải mua đồ ăn sáng cho các con trên đường đi học: "Đi ăn có cả 2 con nhỏ nên nhỡ mà có bị ngộ độc thì rất không hay, lo lắm"
“Khuất mắt trông coi” là câu cửa miệng khi các thực khách sử dụng thức ăn đường phố và sự an toàn của sức khỏe bản thân hầu như chỉ trông mong vào sự may rủi.
Trao đổi với PV VOV2 TS-BS Lâm Quốc Hùng – Giám đốc Trung tâm Đào tạo dinh dưỡng và thực phẩm - Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam cho rằng, thức ăn đường phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc bởi nguồn thực phẩm này có thể bị ô nhiễm do vi sinh vật gây bệnh và độc tố, hóa chất độc hại; bụi bẩn…
“Những nguy cơ gây ngộ độc từ thức ăn đường phố như môi trường bị ô nhiễm do rác thải, khí thải, nước thải, từ nguồn nước sử dụng chế biến, vệ sinh dụng cụ không đảm bảo… từ động vật gây hại hoặc từ côn trùng. Ngoài ra, còn có nguy cơ từ trang thiết bị chế biến, chứa đựng, chia, bao gói thức ăn không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Các nguyên liệu có chất lượng không tốt, bị nhiễm khuẩn như rau sống, chả, pate, nước sốt…Đặc biệt, người chế biến thức ăn cũng tiềm ẩn nguy cơ như người lành mang trùng, bàn tay không sạch, thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo…”- TS Lâm Quốc Hùng cảnh báo.
Cũng theo chuyên gia, thực phẩm để trong môi trường nhiệt độ thường cũng là một yếu tố gây ngộ độc thực phẩm. TS-BS Lâm Quốc Hùng cho biết, một số nhóm thực phẩm hay món ăn dễ bị hư hỏng nếu để ở nhiệt độ thường như thực phẩm tươi sống, các thực phẩm yêu cầu bảo quản mát, lạnh hay tất cả thực phẩm đã qua chế biến nhưng để ở bên ngoài quá 2 giờ đồng hồ.
“Việc bảo quản rất quan trọng, nếu thực phẩm không được che đậy chống sự xâm nhập của bụi, côn trùng, động vật gây hại thì rất dễ bị hư hại. Thêm vào đó, các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như Protit, Lipit (từ thịt, sản phẩm thịt, cá, sản phẩm từ cá, sữa và các sản phẩm từ sữa…) khi để trong nhiệt độ thường sẽ xảy ra hiện tượng biến đổi chất, gây ảnh hưởng cho sức khỏe người ăn…”- BS Hùng nói.
Vì thế, để tránh ngộ độc thực phẩm khi sử dụng thức ăn đường phố, người dân nên tuân thủ các nguyên tắc trong việc lựa chọn các địa điểm ăn như: trong khu vực được quy hoạch kinh doanh thức ăn đường phố để đảm bảo các điều kiện về hạ tầng, nước sạch, điều kiện về vệ sinh, nước thải, rác thải…. Ngoài ra, người dân không nên sử dụng thức ăn đường phố tại các khu vực bị ô nhiễm và có quá nhiều xe cơ giới qua lại…
“Việc quan sát trước khi sử dụng thức ăn đường phố rất quan trọng, chúng ta phải nhìn thấy các địa điểm quán hàng phải sạch sẽ, trang thiết bị chế biến, chứa đựng, bao gói hợp vệ sinh, có tủ che chắn, sử dụng dụng cụ riêng biệt để chế biến, chia gắp thức ăn, người bán hàng phải sử dụng găng tay sạch dùng một lần. Ngoài việc quan sát về địa điểm, nơi bảo quản thức ăn, thực phẩm… thực khách cũng cần quan sát kỹ sản phẩm, món ăn như màu sắc nguyên liệu phải tự nhiên, không chứa phẩm màu độc hại, mùi vị phải thơm ngon tự nhiên không đậm đặc hương liệu”- TS- BS Lâm Quốc Hùng khuyến cáo.
Theo các chuyên gia về ATTP, việc thưởng thức ẩm thực hè phố sẽ trở nên an toàn hơn nếu các thực khách biết cách chủ động phòng ngừa các yếu tố nguy cơ có thể gây ngộ độc thực phẩm.
Mời nghe tại đây: