GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế còn cho biết, trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao, béo phì, bệnh lý bẩm sinh... chưa tiêm vaccine sẽ có nhiều nguy cơ nếu mắc Covid-19. Qua theo dõi cho thấy trẻ cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, tình trạng hậu Covid-19 kể cả di chứng (được gọi là các di chứng cấp tính của Covid-19).

Trong tài liệu “Hướng dẫn triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi” do Viện Vệ sinh dịch tễ TW, Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia xây dựng, mặc dù phần lớn các triệu chứng ở trẻ em khi mắc Covid-19 là nhẹ, nhưng cũng có những trường hợp phải nhập viện và để lại di chứng kéo dài.

Tuy nhiên, hiện tiến độ tiêm cho trẻ trong độ tuổi này còn chậm. Từ nay đến hết tháng 8/2022 chỉ còn 43 ngày để thực hiện hoàn thành cơ bản tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi. Trong khi tính đến ngày 17/7 là 10.222.352 mũi, trong đó mũi 1 là 7.023.539 trẻ (61,4%); mũi 2: 3.198.813 trẻ (27,9%); tại nhiều địa phương, tỷ lệ tiêm mũi 2 cho trẻ còn chưa đạt đến 20%.

Nguyên nhân là do phần lớn trẻ bị nhiễm Covid-19 ở mức độ nhẹ dẫn đến tâm lý chủ quan của các bậc phụ huynh, cho rằng con đã có miễn dịch phòng bệnh và không muốn cho con tiêm chủng hoặc chưa đủ thời gian tiêm sau khi mắc bệnh.

Đồng thời, nhiều phụ huynh có tâm lý lo lắng về phản ứng sau tiêm, sợ ảnh hưởng đến học tập và sinh hoạt của con nên không đồng ý cho con tiêm chủng. Các phụ huynh cũng e ngại các tác hại lâu dài của vaccine đối với trẻ em.

Bên cạnh đó, hiện tại, hầu hết trẻ đang trong thời gian nghỉ hè nên khó huy động trẻ đến tiêm chủng so với giai đoạn trước đây.

Các chuyên gia của Bộ Y tế cho rằng, trong giai đoạn này nên tập trung cho những trẻ có nguy cơ cao, bị bệnh nền, béo phì; các đối tượng trẻ em khác theo chỉ định tiêm càng nhiều càng tốt theo đăng ký của địa phương (trừ những trẻ chưa đến thời hạn tiêm, những trẻ chống chỉ định...); không nên đưa ra chỉ tiêu tiêm đối với trẻ.