Cục phòng chống HIV/AIDS- Bộ Y tế cho biết, 9 tháng đầu năm nay, nước ta phát hiện hơn 10 nghìn ca nhiễm mới HIV. Hơn 60% ca nhiễm tập trung ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và TP. HCM. Đáng lưu ý, tại một số tỉnh “không trọng điểm” như Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long… số nhiễm HIV tăng liên tục từ năm 2020 đến nay.
Thạc sĩ Bùi Hoàng Đức, Phó Trưởng Phòng Giám sát và Xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, chiếm 49% tổng số ca nhiễm là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, đặc biệt là công nhân các khu công nghiệp và học sinh, sinh viên.
Các số liệu từ thực tế cũng cho thấy, số ca nhiễm mới HIV đang có xu hướng trẻ hóa. Tỷ lệ nhiễm mới HIV trong nhóm tuổi từ 16-29 tăng nhanh, từ 4% năm 2012, đến 12,9% năm 2019 và 25,9% năm 2023. Phân tích đường lây trong nhóm tuổi này cho thấy, 88,5% lây qua đường tình dục, đối tượng là nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm 76,9% trong số những ca mới phát hiện trong độ tuổi này.
Cùng với vấn đề lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới thì lây nhiễm HIV ở nhóm chuyển giới nữ cũng có xu hướng tăng nhanh. Năm 2004 tại TP. Hồ Chí Minh tỷ lệ này là khoảng 6,8%, nhưng năm 2016 đã tăng lên 18% và năm 2020 là 16,5%.
Trong khi đó theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2021, tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV ở nữ 15-24 tuổi chỉ chiếm 39,8%, ở nam độ tuổi này là 48,7%. Ngay cả với các em có trình độ cao đẳng, đại học trở lên tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV cũng chỉ đạt 39,8% đối với nữ, và 48,7% đối với nam.
Trước những thay đổi về các yếu tố dịch tễ HIV/AIDS như hiện nay, trao đổi với phóng viên VOV2, PGS.TS Phan Thị Thu Hương - Cục Trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS cho biết, công tác phòng, chống HIV/AIDS cần có những cách tiếp cận mới, sáng tạo và phù hợp để ngăn chặn dịch được tốt hơn. Một trong những cách tiếp cận mới là huy động sự tham gia sáng tạo của cộng đồng để đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 và đây cũng là chủ đề của tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023:
"Chúng tôi muốn thay đổi là cộng đồng sáng tạo vì có rất nhiều mô hình từ cộng đồng, xuất phát từ cộng đồng, họ chuyển đến và chúng tôi đã đúc kết kinh nghiệm để nhân rộng các mô hình đó cho các tỉnh, thành phố. Thứ 2 là chỉ còn 7 năm nữa chúng ta phải chấm dứt dịch AIDS, nếu như không có sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa từ phía cộng đồng thì khó có thể kiểm soát được dịch, vì cộng đồng giúp chúng ta kết nối với các nhóm nguy cơ cao. Chính vì vậy năm nay chúng tôi đã chọn cộng đồng như là điểm mấu chốt để có thể mở rộng nhanh các dịch vụ, đưa ra nhiều sáng kiến ứng dụng để làm sao có thể kết nối được các dịch vụ đó và phát hiện được nhiều người nhiễm HIV hơn thì sẽ ngăn chặn dịch được tốt hơn" - PGS.TS Phan Thị Thu Hương nói.
Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2023 với chủ đề: “Cộng đồng sáng tạo – quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS” diễn ra từ ngày 10/11 đến 10/12 với nhiều hoạt động nhằm thu hút sự quan tâm tham gia của các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, người cung cấp dịch vụ và toàn thể cộng đồng tham gia phòng chống HIV/AIDS.
Hiện toàn cầu có 39 triệu người nhiễm HIV, riêng khu vực châu Á-Thái Bình Dương có 6,5 triệu người nhiễm HIV, chiếm 16%.
Việt Nam ước tính có gần 250 nghìn nhiễm HIV trên toàn quốc, đã đưa vào quản lý được 231 nghìn người.
Tỷ lệ ức chế virus HIV của Việt Nam đạt trên 98%, là quốc gia đi đầu trong công tác phòng, chống HIV. Tuy nhiên, việc phòng chống căn bệnh thế kỷ này hiện còn nhiều thách thức, cần phải có sự tham gia hơn nữa của cộng đồng.