Đái tháo đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa, biểu hiện là tăng đường máu mạn tính cùng rối loạn chuyển hóa carbonhydrate (chất đường), lipid (chất béo), protid (chất đạm) do sự giảm bài tiết insulin của tụy hoặc hoạt động kém hiệu quả của insulin hoặc do cả hai.

Bệnh đái tháo đường sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch từ 2-4 lần so với người không bị đái tháo đường và chúng cũng làm tăng 2-4 lần nguy cơ bị đột quỵ. Cứ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, ở Mỹ lại có thêm 17.280 bệnh nhân đái tháo đường mới, tuy nhiên còn 5% bệnh nhân chưa phát hiện được.

Hiện bệnh đái tháo đường được chia thành type 1, type 2 và thai kỳ. Trong đó đái tháo đường type 1 là bệnh tự miễn, cần có insulin để sống và không thể ngăn ngừa được nên tỉ lệ tử vong cao.

Còn đái tháo đường type 2 là do cơ thế đề kháng insulin dẫn đến tăng đường huyết, có thể ngăn ngừa bằng ăn uống lành mạnh, vận động.

Thực tế hiện nay vẫn còn nhiều người mắc bệnh đái tháo đường nhưng không biết cho đến khi vô tình xét nghiệm máu, nước tiểu. Bên cạnh đo chỉ số đường huyết, các triệu chứng nhận biết một người bị đái tháo đường gồm tiểu nhiều, khát nhiều, thèm ăn, ăn nhiều nhưng nhanh đói, vết thương khó lành, sụt cân, tê đầu ngón chân và tay, hoa mắt, cảm giác mệt mỏi, nhìn mờ.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, người mắc bệnh đái tháo đường cần tuân thủ chế độ ăn hợp lý, luyện tập thể dục hằng ngày, duy trì cân nặng hợp lý, ngưng thuốc lá, tái khám định kỳ, tự theo dõi đường huyết và huyết áp, kiểm tra chăm sóc bàn chân hằng ngày.

PGS.TS Tạ Văn Bình, nguyên giám đốc Viện Nghiên cứu rối loạn chuyển hóa và đái tháo đường, cho biết điều nguy hiểm nhất hiện nay là nhiều người sai lầm cứ nghĩ khi bị đái tháo đường là phải sử dụng insulin, mà không hiểu không phải ai bị tiểu đường cũng dùng được insulin.

Insulin là một nội tiết tố có khả năng làm hạ đường máu, bằng cách giúp đường vào trong tế bào để sản xuất ra năng lượng cung cấp cho mọi hoạt động của cơ thể. Việc dùng insulin hay không là do yêu cầu của cơ thể, hay nói cách khác đó là do tình trạng bệnh lý hiện tại của cơ thể.

Bệnh nhân đái tháo đường buộc phải dùng insulin là người được chẩn đoán đái tháo đường type 1, đái tháo đường thai nghén; đái tháo đường type 2 ở những giai đoạn đặc biệt người không béo mà gầy sút cân, có bệnh lý gan, mật, chống chỉ định với thuốc hạ đường máu, người đang mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính, phải phẫu thuật, nhồi máu cơ tim và những người uống thuốc viên không quản lý được đường máu.

"Thậm chí khi đã có chỉ định tiêm đến một giai đoạn nhất định mà không có sự thay đổi thì gây hại rất lớn, bởi insulin là một protein, khi tiêm vào cơ thể sẽ có tác dụng làm giảm lượng đường trong máu.

Tiêm insulin phải đúng liều, nếu ít hơn thì đường huyết tăng, không kiểm soát được bệnh đái tháo đường. Còn nếu quá liều sẽ gây hạ đường huyết, gặp nguy hiểm vì chỉ hạ đường huyết sau 5 phút là bệnh nhân đã có thể bị mất não, sống đời sống thực vật" - PGS Bình nhấn mạnh.