Vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao và đây cũng là cơ hội để các loại thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn được trà trộn để tung ra thị trường. Trong thời gian này, các lực lượng chức năng từ trung ương đến địa phương, nhất là tại các thành phố lớn đang đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nhằm ngăn chặn các nguy cơ về mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chợ đầu mối phía Nam là một trong những địa điểm tập kết, bán buôn, bán lẻ các loại trái cây, rau củ quả, thịt cá, hải sản… với quy mô lớn nhất miền Bắc. Từ đây, những mớ rau, con cá sẽ tỏa về các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận, đến với bàn ăn của từng gia đình.
Kinh doanh mặt hàng thịt lợn đã hàng chục năm nay, chị Phạm Thị Diệp cho biết, trung bình mỗi ngày chị bán khoảng 3 đến 4 tạ thịt lợn. Ngày Tết lượng hàng tăng lên khoảng 30%. Khâu đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm luôn được chị chú trọng, đặt lên hàng đầu. Chị cho biết, chị thường mua thịt lợn từ lò mổ của một công ty lớn, có đầy đủ giấy chứng nhận kiểm dịch và an toàn thực phẩm. Khi về bày bán tại chợ, thịt luộn được đặt trên bàn, kệ cao để tránh bị nhiễm khuẩn.
Vừa thoăn thoắt lựa các loại rau cho khách theo đơn đặt hàng, chị Nguyễn Thị Hoa cũng cho biết, quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối phía Nam gần đây có một bước tiến mới. Đó là các hộ kinh doanh ngành hàng rau củ quả được gắn biển chứng nhận cam kết bán hàng đảm bảo an toàn thực phẩm. Từ khi được gắn biển, sạp rau của chị Hoa bán được nhiều hơn. Bản thân chị cũng yên tâm hơn về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm của các loại rau củ quả mà chị bán ra cho người tiêu dùng bởi tất cả đều có hóa đơn mua bán, giấy tờ chứng nhận, truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ
Ông Nguyễn Xuân Tới – Phó trưởng Ban Quản lý chợ đầu mối phía Nam cho biết, hiện tại đã có 50 hộ kinh doanh rau củ quả tại chợ được gắn biển chứng nhận cam kết bán hàng đảm bảo an toàn thực phẩm.
Trung bình, mỗi ngày, lượng thực phẩm tươi sống được tập kết và mua bán tại chợ đầu mối phía Nam Hà Nội là khoảng 100 tấn rau củ quả và 20 tấn thịt, cá, hải sản. Trong dịp Tết, lượng hàng hóa đổ về chợ thường tăng lên gấp rưỡi hoặc gấp đôi. Công tác kiểm tra, tuyên truyền nhắc nhở các hộ kinh doanh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vẫn được Ban quản lý thực hiện thường xuyên, hàng ngày nhưng trong dịp cận Tết sẽ được tăng cường hơn. Đồng thời, Ban Quản lý chợ cũng thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng như trạm kiểm soát thú y quận, Đội quản lý thị trường số 15, Chi cục chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Hà Nội lấy mẫu kiếm tra, xét nghiệm, kiểm soát chất lượng các mặt hàng thực phẩm bày bán chợ. Theo quy định các sản phẩm kinh doanh tại chợ phải có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, được bảo quản lưu trữ theo tiêu chuẩn đối với từng mặt hàng để đảm bảo độ tươi ngon. Những trường hợp không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm hoặc vi phạm về nguồn gốc xuất xứ sẽ bị tịch thu tiêu hủy hàng hóa hoặc xử phạt.
Theo các chuyên gia tế, công tác bảo đảm ATTP tại các chợ đầu mối rất quan trọng, vì đây là nguồn cung cấp thực phẩm đến các chợ truyền thống, cửa hàng kinh doanh thực phẩm trên toàn thành phố. Các biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý vi phạm tại chợ đầu mối phía Nam sẽ góp phần đảm bảo thị trường thực phẩm an toàn cho người dân trên địa bàn Thủ đô trong dịp Tết.