Tết cổ truyền đang đến gần, nhu cầu mua sắm thực phẩm tăng cao, số lượng tiêu thụ có thể nói lớn nhất trong năm từ hàng tươi sống, đồ khô cho tới các sản phẩm đồ uống. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, thị trường thực phẩm ngày càng sôi động với sự đa dạng về chủng loại, mẫu mã. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng kém, hàng nhái, hàng giả được trà trộn đưa vào thị trường, làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.

Để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình, nhiều người nội trợ thường tìm đến hàng homemade từ bánh kẹo, mứt Tết, ô mai… cho đến giò, nem... Danh xưng “nhà làm” khiến cho mọi người cảm thấy tin tưởng và an tâm hơn. Thế nhưng theo thạc sỹ Ngô Xuân Dũng, Nguyên giảng viên Khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, mọi người cần phải có sự quen biết nhất định với những người sản xuất thực phẩm để chắc chắn rằng đó là những thực phẩm an toàn.

Thực tế rất khó để đoán định được những thủ đoạn “phù phép” từ đồ ôi thiu sang đồ ăn hấp dẫn, đóng gói bắt mắt đang được những người không có lương tâm lạm dụng, làm giả. Chẳng thế mà trên mạng xã hội tràn lan những đoạn clip chỉ cần dùng một thứ dung dịch nào đó là có thể biến miếng thịt ôi thiu trở thành màu đỏ tươi như mới. Và càng gần Tết Nguyên đán, số vụ kinh doanh thực phẩm bẩn, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc bị phát hiện, bắt giữ càng nhiều.

Điển hình như ngay trong tuần vừa rồi, Đội Quản lý thị trường số 2 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái phối hợp với các cơ quan chức năng đã tiến hành giám sát tiêu hủy hơn 7.500 kg thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ trị giá hơn 1,1 tỷ đồng. Trong năm qua, ngành y tế tỉnh đã tổ chức 11 cuộc kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại 159 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm 24 cơ sở với số tiền hơn 76 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là vi phạm quy định của pháp luật về điều kiện, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.

Cuối tháng 12 vừa rồi, ngành Y tế tỉnh Thái Nguyên đã thanh, kiểm tra 1.138 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, nước uống đóng chai, nước đá dùng liền trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, xử phạt hành chính 29 cơ sở với số tiền là 75 triệu đồng. Việc thanh, kiểm tra đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và kết hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền tại chỗ, hướng dẫn cơ sở thực hiện công tác bảo đảm ATTP theo quy định pháp luật.

Hay trong đầu tháng 1 năm nay, Công an Hà Nội và Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, thu giữ 1 tấn nầm lợn (được cất giấu trong 35 bao tải, bên ngoài in chữ Trung Quốc) trong quá trình phân hủy, bốc mùi hôi thối đang trên đường vận chuyển đi các chợ đầu mối, một số quán ăn trên địa bàn Hà Nội. Hay trước đó, khoảng giữa tháng 12/2022, lực lượng chức năng bất ngờ kiểm tra chiếc xe tải đã phát hiện hơn 1,8 tấn nầm, nội tạng động vật đang trong quá trình phân hủy được tuồn về Hà Nội nhằm phục vụ các quán lẩu nướng.

Hiện tại, chúng ta đã có một hệ thống văn bản pháp luật rõ ràng để xử lý vi phạm đối với lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm như Luật An toàn thực phẩm, Nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Bộ luật Hình sự. Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật. Vậy nhưng, vẫn có rất nhiều hộ sản xuất, kinh doanh bất chấp sự nguy hại tới người tiêu dùng vẫn sẵn sàng đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái...

Luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty luật Minh Bạch cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, nhưng trên hết vẫn là nhận thức của người dân còn hạn chế, sự vào cuộc của chính quyền cũng như cơ quan chức năng cũng chưa thực sự mạnh mẽ.

Thạc sĩ Ngô Xuân Dũng – Nguyên giảng viên Khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, mỗi người dân hãy trở thành những người tiêu dùng thông thái bằng cách nhận biết sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm đã được kiểm soát và chứng nhận an toàn thực phẩm. Hơn hết là cần phải tìm hiểu về cách bảo quản thực phẩm nhất là trong những ngày Tết khi việc mua và sử dụng thực phẩm tăng cao.

Có thể nói, quan tâm vệ sinh an toàn thực phẩm để chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm là hết sức cần thiết không chỉ trong những dịp Lễ, Tết mà còn phải được diễn ra thường xuyên, hàng ngày. Để bảo đảm sức khỏe của bản thân và gia đình, người tiêu dùng phải nâng cao hiểu biết trong việc lựa chọn thực phẩm, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mời nghe âm thanh tại đây: